Mô hình nhân giống ba kích tím bằng nuôi cấy mô đầu tiên ở Ba Chẽ

Nhận thấy nhu cầu cây giống ba kích tím trên thị trường ngày càng lớn, cuối năm 2017 gia đình ông Mông Văn Thàm (khu 1, thị trấn Ba Chẽ) đã đầu tư hơn 600 triệu đồng thực hiện mô hình nhân giống ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy mô đầu tiên tại huyện Ba Chẽ. Đến nay, mỗi năm ông Thàm xuất bán ra thị trường từ 10-30 vạn cây giống.

22
Mô hình nhân giống cây ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy mô của gia đình ông Mông Văn Thàm.

Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu (trà hoa vàng và ba kích tím) huyện Ba Chẽ phấn đấu đến năm 2030 sẽ nhân rộng 1.000ha trồng cây ba kích tím. Giai đoạn này, Ba Chẽ đang tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất cho nhiều hộ dân tham gia trồng, nhân rộng mô hình cây ba kích tím. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện mới chỉ có 2 cơ sở là Công ty CP Phát triển rừng Bền Vững (nhân giống bằng phương pháp giâm hom) và hộ gia đình ông Mông Văn Thàm đầu tư sản xuất, nhân giống cây ba kích tím (phương pháp nuôi cấy mô).

Theo ông Thàm, trồng cây ba kích tím đòi hỏi khâu kỹ thuật chăm sóc nhiều, vì vậy việc tạo ra cây giống khỏe mạnh rất quan trọng, giúp phòng trừ sâu bệnh tốt, cây phát triển khỏe mạnh, thu hoạch đạt năng suất cao. Để đáp ứng được các yêu cầu đó, gia đình ông đã quyết định cải tạo hơn 1.500m2 đất vườn tạp, làm giàn chống nắng để nhân giống cây ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp này chưa được áp dụng tại địa phương bao giờ, vì thế khi bắt đầu làm, gia đình ông gặp không ít khó khăn, lo cây giống khó thích nghi phát triển được. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thử nghiệm, cây ba kích đã được thuần hóa, thích nghi nhanh với điều kiện tự nhiên tại địa phương.

Ông Thàm chia sẻ thêm: Mô giống sau khi nhập từ Trung tâm Khoa học và Sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh về sẽ được cấy vào các bầu đất (làm sẵn) sau đó tưới nước vừa đủ, phủ túi nilon kín luống trong vòng 15-20 ngày. Sau thời gian này, để cây giống thích nghi dần với điều kiện thời tiết sẽ tháo dần túi nilông tại 2 đầu luống. Đặc biệt, cây ba kích thích nghi với bóng tán xạ, vì vậy khi ươm giống phải làm các giàn chống nắng cho cây. Để cây phát triển nhanh, hàng ngày phải thường xuyên tưới nước (mùa hè tưới 2 lần/ngày) kết hợp với bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh. Thời gian từ lúc vào bầu đến khi cây có thể xuất bán được, mất khoảng 8 tháng.

22
Trung bình mỗi năm, gia đình ông Mông Văn Thàm có thể nhân được 10-30 vạn cây giống ba kích tím cung cấp cho thị trường.

Bằng cách làm đó, cuối năm 2018, gia đình ông Thàm đã xuất bán hơn 200.000 cây giống ba kích tím đầu tiên bằng phương pháp nuôi cấy mô. Giống ba kích tím do gia đình ông sản xuất được người dân trong vùng đánh giá cao, cây thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương, phát triển nhanh và khỏe mạnh. So với giống ba kích thực hiện bằng giâm hom thì giống ba kích trồng từ phương pháp nuôi cấy mô cho thu hoạch sai; củ, rễ đều to hơn. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến đặt mua giống ba kích tím của ông Thàm ngày càng nhiều. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, gia đình ông đã xuất được hơn 300.000 cây giống. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong huyện, ông Thàm còn cung cấp giống ba kích cho các địa phương khác như: Huyện Hải Hà; huyện Cát Bà (Hải Phòng)…

Hiện giá bán cây giống ba kích của ông Thàm dao động từ 6.000-7.000 đồng/cây. Trừ mọi chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình ông thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ mô hình này. Không dừng lại ở đó, gia đình ông Thàm đang có dự định mở rộng diện tích sản xuất với ý tưởng đầu tư một phòng cấy mô tại nhà để tiện lợi cho việc nhân giống cây ba kích tím.

Phạm Tăng
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn