Trà hoa vàng đang được coi là một “mỏ vàng” dược liệu của huyện vùng núi Ba Chẽ; do giá trị kinh tế cao, nên đây là cây xóa nghèo, làm giàu của nhiều người dân.
Chế biến trà hoa vàng tại cơ sở sản xuất của anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ. |
Gia đình ông Đàm Văn Cường (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) là một trong những hộ đi đầu, tích cực trong chuyển đổi mô hình sản xuất kém hiệu quả sang trồng trà hoa vàng để nâng cao thu nhập. Ông Cường cho biết: Nhận thấy giá trị lớn của cây trà hoa vàng, năm 2014, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi gần 10ha trồng hồi, quế, sa mộc sang trồng trà hoa vàng và các cây dược liệu khác. Sau hơn 5 năm, bước đầu đã có khoảng 3ha cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao, khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi cũng đã đầu tư hệ thống giàn tưới nước tự động và chuẩn bị mở rộng thêm vài ha trồng trà hoa vàng nữa.
Không chỉ gia đình ông Cường, được sự khuyến khích, hỗ trợ của địa phương, nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng đầu tư trồng trà hoa vàng với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình. Ông Lê Thanh Bình (khu 7, thị trấn Ba Chẽ), hiện đang có khoảng 2ha trồng trà hoa vàng làm dược liệu. Trước đây, phần diện tích đất này gia đình ông trồng cây ăn quả, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, do vậy, năm 2012 ông bắt tay vào trồng thử nghiệm khoảng 500 gốc trà hoa vàng, đến nay, vườn trà mang lại cho gia đình ông trên 100 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, nhiều hộ đã hình thành được vùng trồng, chế biến trà hoa vàng theo chuỗi, quy mô lớn, điển hình như cơ sở sản xuất trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng tại xã Đạp Thanh. Từ cây trà hoa vàng, anh Trắng đã đầu tư máy móc, thiết bị, hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; hiện cơ sở của anh đã sản xuất được 2 sản phẩm: Trà hoa vàng túi lọc dạng hoa và trà hoa vàng túi lọc dạng lá. Mỗi năm, lợi nhuận từ mô hình trồng trà hoa vàng của anh Trắng đạt hơn 1 tỷ đồng. Sắp tới, anh cũng dự định tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để tiếp cận các siêu thị lớn và xuất khẩu.
Vườn trà hoa vàng của gia đình ông đình Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, đang cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. |
Nhận thấy rõ tiềm năng và giá trị kinh tế từ cây trà hoa vàng, từ năm 2015, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch vùng trồng dược liệu trà hoa vàng. Đồng thời xây dựng đề án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn đến năm 2020, định hướng năm 2030, trong đó có cây trà hoa vàng. Với mục tiêu này, hằng năm, huyện đều khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia và nhân rộng mô hình trà hoa vàng thông qua các dự án phát triển sản xuất của Chương trình NTM và Chương trình 135. Đặc biệt, huyện cũng tích cực kêu gọi, thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi với các doanh nghiệp, HTX trong phát triển, chế biến dược liệu trà hoa vàng. Hiện đã có một số doanh nghiệp như Công ty CP đầu tư Kỷ Tâm than Hà Tu; Công ty CP Dược, vật tư Y tế Quảng Ninh xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn, trong đó có trà hoa vàng với quy mô trên 200ha.
Huyện cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá các sản phẩm trà hoa vàng thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các lễ hội, hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai nghiên cứu giải pháp KHCN để xử lý sâu bệnh trên cây trà hoa vàng nhằm bảo tồn và nâng cao chất lượng giống cây trồng.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng cây dược liệu, trong đó, trà hoa vàng vẫn tiếp tục được xác định là cây chủ lực của địa phương. Bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân tham gia mở rộng diện tích thì huyện cũng sẽ kêu gọi, có những cơ chế thu hút thêm những doanh nghiệp tiềm năng đầu tư trồng, sản xuất, chế biến trà hoa vàng. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay, diện tích trà hoa vàng của Ba Chẽ đã đạt 177,6ha với 418 hộ dân và doanh nghiệp tham gia trồng, tập trung ở các xã Đồn Đạc, Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Lương Mông…. Tính riêng năm 2018-2019, doanh thu từ các hộ trồng trà đạt trên 13 tỷ đồng.
Yến Vy
Nguồn tin: baoquangninh.com