Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản: Cần những giải pháp mạnh

Phát triển công nghiệp chế biến được xem là khâu đột phá trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và là con đường tối ưu nhất để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thế nhưng sau gần 5 năm thực hiện Đề án, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp dè dặt đầu tư

Do chưa được di dời, nên Nhà máy chế biến thuỷ sản thuộc Công ty CP XNK thuỷ sản Quảng Ninh tại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long)
Do chưa được di dời nên Công ty CP XNK Thuỷ sản Quảng Ninh tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long vẫn không thể đầu tư được máy móc, công nghệ chế biến hiện đại.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 850 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó sơ chế, chế biến nông sản là 420 cơ sở; sơ chế, chế biến thủy sản là 92 cơ sở; chế biến lâm sản là 338 cơ sở. 95% các cơ sở ở quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ thiết bị đơn giản, lạc hậu, dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao, thiếu tính cạnh tranh. Đơn cử như với ngành chế biến nông sản, hiện mới chỉ tập trung vào ngành chế biến chè, miến dong và chế biến rau quả…, nhưng những sản phẩm này cũng chỉ ở dạng sơ chế.

Chẳng hạn như vùng trồng chè với gần 1.000ha ở Hải Hà. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, toàn tỉnh có 12 cơ sở chế biến chè, trong đó có 4 doanh nghiệp cấp tỉnh quản lý với quy mô sản lượng từ 5-6 tạ sản phẩm/ngày. Còn lại là các cơ sở sơ chế nhỏ của các hộ trồng chè khác với công suất khoảng từ 1-7 tấn nguyên liệu tươi/ngày. Thế nhưng, sản phẩm chè ở tất cả các cơ sở này có tới 99% là dạng sơ chế, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa và một phần được xuất thô sang Trung Quốc.

Nguyên nhân là do sản lượng chè hằng năm chưa cao, không ổn định nên các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại vào chế biến. Vì thế, hầu hết các cơ sở chế biến tự dán nhãn mác cơ sở của mình, điều này gây khó khăn cho việc nhận dạng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người chế biến, kinh doanh và trồng chè.

Cơ sở chế biến chè Dũng Nga, thôn 8, xã Quảng Long (Hải Hà) với 2 dây chuyền sản xuất chè, tổng công suất 14 tấn chè tươi/ngày
Cơ sở chế biến chè Dũng Nga, thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà với 2 dây chuyền sản xuất chè, tổng công suất 14 tấn chè tươi/ngày, nhưng sản phẩm xuất bán vẫn ở dạng sơ chế. Ảnh: Hữu Việt

Ngoài nguyên nhân vùng nguyên liệu không ổn định thì một nguyên nhân lớn khác khiến doanh nghiệp không dám đầu tư vào lĩnh vực này là do các địa phương vẫn khó trong tìm quỹ đất. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Huyện có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực thủy sản nhưng các sản phẩm vẫn đang phải bán dưới dạng thô. Để nâng giá trị sản phẩm, không cách nào khác là phải có các cơ sở chế biến hiện đại. Tuy nhiên, vì chưa có quy hoạch nên đây vẫn là bài toán đau đầu nhất của Vân Đồn.

Doanh nghiệp chế biến cũ thì không mở rộng được nhà xưởng, không nâng cấp được máy móc, công nghệ, hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp mới muốn tìm hiểu đầu tư thì địa phương không bố trí được địa điểm…

Do không có địa điểm để xây dựng nên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn) vẫn phải chế biến sản phẩm ở khu nhà xưởng chật hẹp, tạm bợ.
Do không có địa điểm để xây dựng nên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn) vẫn phải chế biến sản phẩm ở khu nhà xưởng chật hẹp, tạm bợ.

Thiếu các cơ sở chế biến hiện đại đã gây tổn thất lớn sau thu hoạch, nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư mở rộng vùng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thà, Giám đốc HTX Chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều), cho biết: Hiện nay rau, củ, quả của HTX vẫn sơ chế bằng công nghệ thủ công. Các sản phẩm này sau khi thu hoạch nếu không được tiêu thụ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng.

Ngay như tuần vừa rồi, chúng tôi buộc phải bỏ đi 7-10 tạ mướp do quả để lâu quá đã bị thối, hỏng. Còn Bà Tống Thị Lợi, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Ngọc Hà (TP Móng Cái), cũng phải thừa nhận rằng, do trên địa bàn tỉnh không có cơ sở chế biến quy mô lớn nên các sản phẩm trà chùm ngây của doanh nghiệp phải mang lên tận Thái Nguyên để chế biến. Cung đường vận chuyển xa, dẫn đến chi phí đầu vào của sản phẩm bị đội giá, vì vậy Công ty không dám mở rộng vùng sản xuất lên 100ha như mong muốn mà chỉ dám đầu tư khoảng 10ha…

Cần giải pháp đột phá

Thiếu diện tich để lắp đặt dây chuyền, máy móc nên cơ sở sản xuất bánh đa Hoa Sơn (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) vẫn phải tận dụng tất cả các diện tích để phơi bánh đa.
Cơ sở sản xuất bánh đa Hoa Sơn, phường Hà Khánh, TP Hạ Long phần lớn vẫn áp dụng công nghệ thủ công trong sản xuất bánh đa.

Quảng Ninh rất phong phú và đa dạng các sản phẩm nông sản và nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong vùng đồng bằng Sông Hồng như trâu, thủy sản… Chất lượng của các sản phẩm được đánh giá là tốt, ngon nhưng chỉ dừng ở dạng thô, chưa tạo được sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm mới. Có nghĩa là dư địa để ngành công nghiệp chế biến phát triển vẫn còn rất lớn.

PGS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), khẳng định: Chế biến là khâu vô cùng quan trọng trong vấn đề bình ổn giá, tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất và đóng vai trò dẫn dắt, kết nối người sản xuất với thị trường. Nếu không quan tâm đến lĩnh vực này, ngành Nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững, nông dân vẫn luẩn quẩn ở câu chuyện “mất mùa được giá” khi vòng đời lưu hành của sản phẩm quá ngắn, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa kể ô nhiễm môi trường cũng không tránh khỏi.

Trong khi đó, nếu có công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm có thể tăng giá trị từ 5-10 lần là điều hết sức bình thường. Đơn cử như ở huyện đảo Cô Tô, địa phương sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Nếu đầu tư nhà máy chế biến ở đây, biến cá ruội, mực, cá cơm… thành những sản phẩm mới dưới dạng ăn liền, tôi tin là người dân Cô Tô hoàn toàn có thể làm giàu hơn nữa từ thủy sản và nâng tầm du lịch của Cô Tô.

Sản phẩm thịt khâu nhục (huyên Tiên Yên) vẫn chế biến dưới dạng thủ công, dẫn đến năng suất
Sản phẩm thịt khâu nhục (Tiên Yên) vẫn được các cơ sở chế biến dưới dạng thủ công nên năng suất, sản lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo mục tiêu định hướng trong chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh đến năm 2025 là giá trị kinh tế các ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 20% và giảm 50% tổn thất sau thu hoạch so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, điều quan trọng là phải có sự liên kết và chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu, bởi thông qua chế biến sâu sẽ giúp định vị được sản phẩm.

Để ngành chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh và các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu và quy hoạch không gian phát triển cho ngành này gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung và an toàn sản phẩm. Đi liền với đó là những chính sách đột phá, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp chế biến cũng như tổ chức kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường…

Hoàng Nga
Nguồn tin: baoquangninh.com