Ba Chẽ: Phát triển cây dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Từ nhiều cách làm khác nhau, huyện Ba Chẽ đã nâng tầm giá trị cây dược liệu và chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau để thu hút người tiêu dùng.

Hiện nay, diện tích trồng cây dược liệu của Ba Chẽ hơn 300ha và sẽ tăng lên hàng năm. Với diện tích lớn như vậy, hàng năm, toàn huyện sẽ có hàng trăm tấn sản phẩm từ cây dược liệu được thu hoạch để bán ra thị trường. Thế nhưng nếu không có sự quảng bá rộng rãi để nhiều người biết, hoặc chỉ với những sản phẩm đơn điệu, không đổi mới mẫu mã sản phẩm thì sẽ rất khó tiêu thụ. Vì thế huyện Ba Chẽ đã có nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các sản phẩm cây dược liệu.

Một trong những giải pháp đầu tiên đó là hàng năm, huyện Ba Chẽ tổ chức Lễ hội trà hoa vàng với quy mô lớn nhằm quảng bá, giúp cho sản phẩm trà hoa vàng được phổ biến rộng rãi, đồng thời kích cầu du lịch để nhiều du khách đến với Ba Chẽ. Vậy là, trà hoa vàng đã trở thành sản phẩm du lịch.

Đóng hộp trà hoa vàng tại HTX Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ
Đóng hộp trà hoa vàng tại HTX Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ.

Trà hoa vàng được sấy khô nhưng vẫn giữ nguyên bông, nguyên màu sắc rất bắt mắt người tiêu dùng, sản phẩm lại để được lâu. HTX Dược liệu Trà hoa vàng Ba Chẽ có trụ sở tại thị trấn Ba Chẽ. HTX đã cho ra mắt các sản phẩm từ trà hoa vàng như: Hoa, lá khô và bột matcha trà hoa vàng, bánh, nước uống từ trà hoa vàng. Những sản phẩm này bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đã có một số doanh nghiệp tại Hạ Long, Hà Nội biết đến và đặt vấn đề hợp tác, phân phối sản phẩm…

Năm nay, Hội Nông dân huyện Ba Chẽ đã và đang nghiên cứu cho ra đời sản phẩm mới cũng có nguồn gốc từ cây dược liệu, để từ đó đưa sản phẩm mới ra thị trường. Hội nông dân huyện đã tiếp nhận hỗ trợ 32.500 con gà giống từ UBND TP Hạ Long theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, để  giúp các hộ nghèo và hộ cận nghèo ở Ba Chẽ nhanh chóng thoát nghèo, góp phần đưa Ba Chẽ trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2022. Số gà đã được chia hợp lý cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất. Hội nông dân còn chọn ra 10 hộ có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi ở thị trấn và các xã Đạp Thanh, Thanh Sơn, Đồn Đạc, mỗi hộ nhận 300 con gà giống thực hiện mô hình “Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học dưới tán rừng trồng”. Từ đó, Hội nông dân phối hợp cùng một số tổ chức trên địa bàn xây dựng tiếp mô hình và thương hiệu “Gà đồi dược liệu”, một thương hiệu gà rất mới ở Ba Chẽ. Sau đó, mô hình sẽ được phổ biến rộng rãi trong các hộ nông dân ở các xã trong huyện.

Anh Triệu Tắc Cắm, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc được hỗ trợ 300 con gà giống. Anh Cắm lại tự bỏ tiền ra để mua thêm 1.000 con gà giống nữa để nuôi thả trên diện tích rừng đồi rộng khoảng 5ha, trong đó chuồng nuôi của anh khoảng 200m2. Trên các khu đồi, anh trồng các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, tía tô, sả, kim ngân, sâm cau để cho gà ăn thay rau. Ngoài việc để gà tự ăn các cây dược liệu trồng ngoài tự nhiên, anh Cắm còn nấu lá trà hoa vàng, cùng một số cây dược liệu khác, trộn vào thức ăn cho gà ăn. Mô hình bước đầu thực hiện rất thuận lợi. Gà khi ăn các cây dược liệu chúng khỏe hơn bình thường, rất ít bệnh tật.

Gà được nuôi trên đồi trồng nhiều loại dược liệu trong gia trại anh Triệu Tắc Cắm
Gà được nuôi trên đồi trồng nhiều loại dược liệu trong gia trại anh Triệu Tắc Cắm, xã Đồn Đạc.

Anh Cắm cho biết: Tôi cũng đã xuất bán thử một lứa gà trồng dưới tán dược liệu, thịt gà rất thơm ngon. Thời điểm này chưa đến tết mà gà của tôi không còn để bán. 

Theo ông Khúc Thanh Nghị, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, từ nay đến tết Nguyên đán 2023, các hộ tham gia làm mô hình “Gà đồi dược liệu” bán ra số gà khoảng 8.000 đến 10.000 con. Dự định năm 2023, Hội Nông dân huyện sẽ mở rộng thêm 2 mô hình liên kết sản xuất, mỗi mô hình dự kiến quy mô 3.000 đến 5.000 con. Từ mô hình nuôi gà để tiến tới xây dựng thương hiệu “Gà đồi dược liệu” này, sẽ mang rất nhiều thuận lợi cho người nông dân. Ở các thôn nằm rất xa trung tâm xã và huyện, khi được xây dựng được mô hình họ cũng tiêu thụ hàng rất tốt.

Anh Vũ