Bình Liêu hiện có 22 sản phẩm OCOP của 10 tổ chức, cá nhân. Trong đó có 7 sản phẩm gồm: Miến dong, nước lọc tinh khiết, chè vối, mật ong, tinh dầu hồi, quế, xả đã tham gia Hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh và được xếp hạng 4, 3 sao…
Thời gian qua, huyện đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu địa phương trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm OCOP chủ lực của Bình Liêu được bày bán tại các gian hàng OCOP trong Ngày hội Kiêng gió. |
Theo chị Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, ngay từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo OCOP huyện đã bám sát chỉ đạo, kế hoạch chương trình OCOP của tỉnh, triển khai thực hiện chương trình OCOP của năm trên địa bàn với chủ đề “Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”. Huyện xác định tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển sản phẩm chủ lực gồm 1 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh là Miến dong Bình Liêu và 3 sản phẩm cấp huyện là mật ong, dầu sở và nhóm thảo dược.
Theo đó, huyện đã chỉ đạo tập trung nâng cấp sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu liên kết bền vững phục vụ chế biến miến dong, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã thực hiện hỗ trợ vùng trồng dong riềng phục vụ chế biến miến dong được 58ha, nâng tổng số vùng nguyên liệu lên khoảng 320ha. Đặc biệt, để giải quyết những khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ miến dong trên địa bàn, tiến tới phát triển bền vững sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh “Miến dong Bình Liêu”, huyện đã chủ động phối hợp, kết nối các đơn vị chế biến miến dong với các nhà phân phối sản phẩm lớn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm miến dong cho huyện.
Bình Liêu còn chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất triển khai các bước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Trong đó, từng bước đưa các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến vào áp dụng trong sản xuất OCOP như: HACCP, GMP, SSOP… Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, cho biết: Hiện nay đơn vị đang thực hiện áp dụng việc quản lý chất lượng sản phẩm miến dong theo tiểu chuẩn ISO. Cùng với đó, đơn vị tập trung mở rộng thị trường bằng việc hình thành các kênh phân phối thương mại qua việc ký kết với nhà phân phối sản phẩm lớn như Big C; phát triển qua các kênh bán hàng online và xây dựng website bán hàng… Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục đầu tư dây chuyền chế biến, dây chuyền xát bột, phấn đấu đạt mục tiêu xát được 200 tấn củ/ngày.
Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu hiện đang thực hiện áp dụng việc quản lý chất lượng sản phẩm miến dong theo tiểu chuẩn ISO. |
Không những vậy, các xã, thị trấn trên địa bàn cũng chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát quy hoạch đất đai trên địa bàn, ưu tiên bố trí khu vực sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất để đảm bảo các sản phẩm OCOP được sản xuất trong điều kiện tốt nhất, nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Huyện còn rà soát các sản phẩm tham gia chương trình OCOP từ 2013 đến nay, trên cơ sở đó, những sản phẩm nào có tiềm năng sẽ xây dựng dự án hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm để trình phê duyệt, hỗ trợ thực hiện trong thời gian tới. Hiện nay, huyện đang hướng dẫn hoàn thiện dự án phát triển mật ong, dược liệu và miến dong Bình Liêu. Đến nay huyện đã phân bổ 500 triệu đồng từ ngân sách huyện để thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng phát triển sản xuất tập trung, sản phẩm OCOP, đồng thời đang thực hiện hỗ trợ cho 4 đơn vị sản xuất, chế biến miến dong với tổng kinh phí hỗ trợ trong 6 tháng là trên 239 triệu đồng.
Cùng với các giải pháp trên, Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh khi có thông báo từ tỉnh. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thực hiện tham gia 4 cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, như: Hội chợ OCOP xuân 2018, lễ hội Hoa Anh Đào – Mai vàng Yên Tử 2018, lễ hội Đình Lục Nà 2018, Hội chợ OCOP phía Bắc…
Với các giải pháp đồng bộ, các sản phẩm OCOP chủ lực của Bình Liêu ngày càng nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Qua đây, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm địa phương đạt chất lượng cao và giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững…