Cây dược liệu khẳng định ưu thế

Đề án Phát triển đàn gà Tiên Yên, nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng cây dược liệu (gọi tắt là Đề án “2 con, 1 cây”) được huyện Tiên Yên chủ động xây dựng và tập trung thực hiện từ 2 năm nay. Trong đó, cây dược liệu đã và đang cho hiệu quả với mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu. Tuy nhiên, để cây dược liệu trong thời gian tới có thể khẳng định được ưu thế của mình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Tiên Yên cũng đang tích cực tìm giải pháp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm canh tác.

Người dân thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, huyện Tiên Yên chăm sóc vườn cây dược liệu dây thìa canh.
Người dân thôn Đồng Tâm, xã Yên Than, huyện Tiên Yên chăm sóc vườn cây dược liệu dây thìa canh.

Năm 2015, huyện Tiên Yên phối hợp với Công ty TNHH Nuôi trồng – sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc có trụ sở tại xã Cộng Hoà, TP Cẩm Phả (Công ty Dược liệu Đông Bắc) thực hiện trồng khảo nghiệm cây dược liệu gồm: Diệp hạ châu, cà gai leo, dây thìa canh và giảo cổ lam. Sau một thời gian trồng thử đã cho kết quả rất tích cực khi 3/4 loại cây dược liệu tỏ ra phù hợp và sinh trưởng rất tốt (trừ cây giảo cổ lam). Vì vậy, đến năm 2016, huyện Tiên Yên tiếp tục triển khai trồng thử nghiệm cây dược liệu trên diện tích 3ha, tại 3 xã Yên Than, Đông Ngũ, Đông Hải với kinh phí hỗ trợ gần 300 triệu đồng. Theo thỏa thuận, Công ty Dược liệu Đông Bắc sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở nhân giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình như tại xã Yên Than, qua 2 năm triển khai, dự án trồng cây dược liệu tập trung tại thôn Đồng Tâm đã cho thấy cây cà gai leo, diệp hạ châu, dây thìa canh phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Hiện tại, xã đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 3ha, gấp 10 lần so với năm 2015, với 10 hộ trồng. Dự kiến trong năm 2017, các hộ dân trong xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 7ha. Với giá thu mua từ 10.000-12.000đ/kg tươi thì thu nhập bình quân của mỗi hộ dân cũng đạt gần 300 triệu đồng/năm. Có thể nói, mô hình trồng cây dược liệu đã và đang mở hướng đi mới giúp người dân trong các xã khó khăn của huyện Tiên Yên. Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Than Bế Văn Chè cho biết: Hiện tại, về năng suất và chất lượng của cây dược liệu đã được đảm bảo. Tuy nhiên, trong thời gian tới để dự án trồng cây dược liệu được phát triển tốt thì bà con nhân dân chúng tôi rất mong đảng bộ, chính quyền các cấp và Công ty Dược liệu Đông Bắc quan tâm, hỗ trợ để thị trường ổn định giúp bà con tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty Dược liệu Đông Bắc, cho hay: Với những thành công ban đầu trên thị trường sản phẩm tân dược, Công ty đang tiếp tục đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất thêm nhiều sản phẩm dược liệu quý khác cung cấp ra thị trường. Để Công ty phát triển ổn định thì việc mở rộng vùng nguyên liệu là một nhiệm vụ quan trọng, có tính chất quyết định. Tại huyện Tiên Yên, riêng năm 2016, Công ty đã ký hợp đồng với Phòng Nông nghiệp huyện và 3 xã Yên Than, Đông Hải, Đông Ngũ với tổng diện tích trồng cây dược liệu là gần 6ha. Công ty đã thu mua được khoảng 15 tấn sản phẩm. Trong thời gian tới, Công ty đang đẩy mạnh phát triển thêm diện tích trồng cây dược liệu tại huyện Tiên Yên.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh