Chủ động ứng phó mưa, bão trong nuôi trồng thuỷ sản

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của nắng nóng, mưa bão, lũ; ổn định và duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thuỷ sản, ngay từ đầu mùa, ngành thủy sản Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều biện pháp phòng, chống và hạn chế tối đa rủi ro khi xảy ra thiên tai.

Các hộ dân và chính quyền địa phương kiểm tra, khắc phục tình trạng tôm chết tại TP Móng Cái.
Các hộ dân và chính quyền địa phương kiểm tra, khắc phục tình trạng tôm chết tại TP Móng Cái.

Thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân. Điển hình như tại TP Móng Cái, đã phát hiện tình trạng tôm chết ở một số hộ nuôi phường Hải Hòa và Bình Ngọc. Nguyên nhân do nhiệt độ thời tiết tăng cao, kèm theo mưa rào và dông, gây biến động các yếu tố môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho virut đốm trắng, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm dễ dàng phát triển.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo TP Móng Cái yêu cầu các xã, phường thông báo rộng rãi đến các hộ nuôi trồng thủy sản tình hình dịch bệnh tôm nuôi; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm cần thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến tôm nuôi, khi có hiện tượng tôm yếu, chết… phải thông báo cho các hộ xung quanh biết để phòng, chống và thông báo cho UBND xã, phường để kịp thời nắm bắt thông tin.

Theo ông Nguyễn Danh Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái: Chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi trồng mua giống, các vật tư nuôi trồng thủy sản phải lựa chọn những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, có giấy kiểm dịch con giống. Hộ nuôi nào đến thời điểm hiện tại tôm nuôi đã bị chết cần thực hiện tốt việc xử lý ao đầm nuôi, tuân thủ đúng kỹ thuật và thời gian quy định, không nên thả ngay giống mới nuôi vụ tiếp theo. Đối với các hộ nuôi tôm bị chết do dịch bệnh, các xã, phường làm việc và yêu cầu các hộ dân ký cam kết không được tự ý xả thải ra môi trường khi chưa xử lý khử trùng ao nuôi theo quy định, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực nuôi trồng thủy sản để phòng trừ dịch bệnh.

Người dân Vân Đồn thu hoạch cá song.
Người dân Vân Đồn thu hoạch cá song.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Để phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, Sở NN&PTNT cũng đã yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó.

Cụ thể, tại huyện Vân Đồn với hơn 3.300ha nuôi trồng thủy sản, trong đó phần lớn là nuôi các loại nhuyễn thể như ngao, hàu, tập trung nhiều tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn và khoảng 4.700 ô lồng nuôi cá biển tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng cần chủ động tổ chức triển khai các biện pháp phòng, ứng phó hiệu quả các sự cố thiên tai khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Ông Hoàng Văn Đô, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, cho biết: Như mọi năm, vào mùa mưa bão, chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai. Gia cố công trình, bè, lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gió, mưa lũ. Nếu dự báo thời tiết có bão lớn, chúng tôi sẽ khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, di dời lồng, bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời sơ tán lao động về nơi tránh trú, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người do thiên tai.

Hiện, huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cứu hộ ngư dân, phương tiện gặp nạn trên biển; hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú, neo đậu. Huyện cũng đề nghị các địa phương cử cán bộ trực ban, bám sát địa bàn, rà soát, nắm bắt thông tin, tình hình nuôi trồng thủy sản và lập danh sách tàu cá phục vụ công tác quản lý. Cùng với đó, tăng cường thông tin về dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai trên địa bàn đến chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, chủ tàu cá để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 11.700ha nuôi trồng thủy sản, trên 7.400 tàu cá. Thời gian qua, ngoài việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa mưa bão, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện quan trắc và nhắn tin định kỳ 2 lần/tháng về các thông số trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm của tỉnh cho các hộ nuôi để xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra.

Đối với những ngày nắng nóng, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản cần chủ động các biện pháp làm giảm tác động của nắng nóng như giữ mức nước ao từ 1,5-2m; thường xuyên quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ nước, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan phù hợp với sinh trưởng và phát triển của thủy sản; có chế độ cho ăn phù hợp; bổ sung thêm vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.  Đối với những ngày mưa bão, các hộ nuôi thủy sản tích cực kiểm tra và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng; thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa bão, lũ, lụt như bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng; chủ động xử lý môi trường nước để khử trùng nước ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi…

Dương Hà