Chứng chỉ tin cậy về chất lượng nông sản

Theo quy định hiện nay, mã số vùng nuôi, trồng trong nông nghiệp bao gồm mã số vùng trồng trọt, mã vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) và những chứng chỉ, chứng nhận tương đương mã số vùng nuôi, trồng. Ví dụ như các chứng chỉ rừng, chứng nhận cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn an toàn dịch bệnh, cơ sở thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu cho các vùng canh tác…

Cơ sở sản xuất trực tiếp vào cuộc

Người dân Phương Nam (TP Uông Bí) mong muốn thám gia mô hình mã hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS.
Người dân Phương Nam (TP Uông Bí) mong muốn tham gia mô hình mã hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS.

Nhận thức rõ nông sản đến từ các vùng nuôi, trồng đã được cấp mã đồng nghĩa với việc nông sản đó đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn đưa vào thị trường tiêu thụ, trong tháng 7 vừa qua, toàn ngành nông nghiệp Quảng Ninh đẩy mạnh hoạt động cấp mã vùng nuôi, trồng. Trong đó, các đơn vị sản xuất, từ người nông dân đến doanh nghiệp nông nghiệp đã và đang vào cuộc tích cực, tạo nên những chuyển động đáng mừng.

TP Móng Cái là một trong những vùng nuôi tôm tập trung của tỉnh. Đầu tháng 7/2022, sau khi có thông báo của Phòng Kinh tế thành phố về việc triển khai cấp mã số vùng NTTS, cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực cho các cơ sở NTTS (giá trị tương đương cấp vùng NTTS), hàng trăm hộ nuôi tôm trên địa bàn đều đã tìm hiểu và phối hợp triển khai. Tính đến hết tháng 7, toàn thành phố cấp được 120 mã vùng NTTS.

Không chỉ người dân, khối doanh nghiệp nuôi tôm ở Móng Cái cũng vào cuộc cấp mã vùng NTTS. Công ty CP Thủy sản Phương Anh (phường Hải Hòa, TP Móng Cái) hiện đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện NTTS, giấy xác nhận đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực…

Để được cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ mô hình lúa - rươi, người nông dân Uông Bí phải tuân thủ quy trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng chất hóa học.
Để được cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ mô hình lúa – rươi, người nông dân ở Uông Bí phải tuân thủ quy trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng hóa chất.

Theo ông Lương Thanh Phương, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Phương Anh, những giấy tờ hành chính trên đã giúp cho doanh nghiệp đưa được những lô hàng thủy sản lên các kênh phân phối uy tín trong nước, phần khác có thể xuất khẩu chính ngạch sang nước bạn Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vào trung tuần tháng 7, Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái), cũng đã được nhận giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với 2 loại bệnh viêm da nổi cục và lở mồm long móng, đưa tổng số cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận về an toàn dịch bệnh trên toàn tỉnh là 18 đơn vị…

Cùng với TP Móng Cái, các địa phương như Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí cũng khá chủ động triển khai các hoạt động cấp mã vùng nuôi, trồng. Mới đây nhất, 3 địa phương này đã được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho 45ha canh tác mô hình lúa – rươi.

Cũng tại TP Uông Bí, tháng 7 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đã phối hợp cùng người dân thí điểm triển khai mô hình mã hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS. Công việc cụ thể là trên cơ sở toàn bộ vùng vải chín sớm Phương Nam đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đơn vị chức năng sẽ rà soát, đánh giá lại và tổng hợp các thông số đã được cấp trước đây để cập nhật lên hệ thống phần mềm OTAS, phần mềm được các bạn hàng quốc tế sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (Cẩm Phả) tổ chức nuôi nhốt đàn lợn bản địa tách biệt với các khu nuôi khác, nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.
Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) tổ chức nuôi nhốt đàn lợn bản địa tách biệt với các khu nuôi khác, nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch.

Bà Đinh Thị Thanh (khu Cẩm Hồng, phường Phương Nam) cho biết: Chúng tôi mong muốn thông qua việc mã hóa dữ liệu vùng vải có thể thúc đẩy việc xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam ra thị trường nước ngoài, trước mắt là thị trường Nhật Bản.

Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng nuôi, trồng

Có thể thấy cấp mã vùng nuôi, trồng trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu và đáp ứng xu thế phát triển theo hướng hội nhập. Tuy nhiên hiện nay việc này không dễ thực hiện, bởi để được cấp mã vùng nuôi, trồng phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó chủ yếu là các tiêu chí người sản xuất trực tiếp phải thực hiện. Cùng với đó, trong quá trình duy trì giá trị các mã vùng này buộc phải liên tục được thẩm định và thẩm định lại, chi phí cho các khâu thẩm định không nhỏ. Đáng nói, do nhiều nguyên nhân, giá bán, giá trị sản phẩm sản xuất ở vùng canh tác được cấp mã vùng trên thị trường hiện không chênh lệch là mấy so với các sản phẩm sản xuất thông thường.

Thực tế, để được cấp mã số vùng NTTS, cơ sở sản xuất phải đảm bảo về cơ sở hạ tầng, công nghệ nuôi và công nghệ bảo quản, đảm bảo về giống, đội ngũ nhân lực có tay nghề, cũng như các thiết bị hiện đại khác. Một điều kiện tiên quyết khác để được cấp mã vùng NTTS là cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch NTTS, được giao hoặc cho thuê diện tích mặt đất, mặt nước. Trong khi đó việc này ở một số địa phương trong tỉnh, từ nhiều nguyên nhân đang gặp rất nhiều vướng mắc. 

Vùng nuôi nhuyễn thể rộng lớn ở TX Quảng Yên hiện khó có thể được cấp mã vùng NTTS do không nằm trong quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh.
Vùng nuôi nhuyễn thể rộng lớn ở TX Quảng Yên hiện khó có thể được cấp mã vùng NTTS do không nằm trong quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh.

Cũng như vậy, các vùng trồng trọt để được chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ… phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn một cách nghiêm ngặt. Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với 45ha lúa – rươi được cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ nói trên, cơ sở được cấp mã là trong cả quá trình canh tác, người nông dân không sử dụng bất cứ loại phân, thuốc gốc hóa học nào để kích thích tăng trưởng, hay diệt trừ sâu bệnh. Thay vào đó, người dân tận dụng các điều kiện địa hình, con nước tự nhiên để cấy lúa và tạo môi trường cho con rươi phát triển. 

Riêng đối với việc cấp chứng chỉ rừng thực tế đã được khuyến khích triển khai từ nhiều năm qua, tuy nhiên hiện số cơ sở được cấp rất thấp. Riêng từ đầu năm đến nay, không có chủ rừng nào thực hiện cấp mới, hoặc cấp lại chứng chỉ rừng. Ông Trần Văn Duy, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà, cho biết: Vẫn biết chứng chỉ rừng rất có lợi cho người dân, tuy nhiên điều kiện cấp chứng chỉ rừng khắt khe, trong khi đời sống chủ rừng còn thấp, nên việc này khó thực hiện, nhất là đối với các chủ rừng là hộ gia đình.

Sản phẩm rau thủy canh ở cơ sở Green farm 188 hiện đã được cấp mã vùng trồng.
Sản phẩm rau thủy canh ở Cơ sở Green farm 188 (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) hiện đã được cấp mã vùng trồng.

Từ những cái khó trên cho thấy, để đẩy mạnh tiến độ cấp mã vùng nuôi, trồng trong sản xuất nông nghiệp rất cần có sự vào cuộc, tháo những điểm khó, đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân của các đơn vị chức năng. Các đơn vị chức năng cũng là nhân tố đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách để đẩy giá nông sản được sản xuất tại các vùng canh tác được cấp mã, qua đó kích thích tinh thần vào cuộc của người dân.

 

Việt Hoa