Hướng tiếp cận mới trong xúc tiến sản phẩm OCOP

Tổ chức quy củ, cẩn thận trong lựa chọn, giới thiệu sản phẩm OCOP dưới dạng đặc sản địa phương và đặc biệt xác định rõ đối tượng là du khách… Đây là hướng tiếp cận hiệu quả trong xúc tiến sản phẩm OCOP và là cách làm mà một số điểm, trung tâm bán sản phẩm OCOP đã và đang triển khai.

Là mô hình được đánh giá cao, Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long (khu Đồn Điền, Hà Khẩu, TP Hạ Long) được đưa vào hoạt động từ năm 2021. Ngoài vị trí thuận lợi, Trung tâm được tổ chức khá quy củ, dưới dạng một điểm dừng chân thu hút các đoàn khách.

Đáng ghi nhận ở đây, hơn 100 sản phẩm OCOP của tỉnh được lựa chọn trưng bày, giới thiệu dưới dạng đặc sản địa phương, theo từng chủ đề, theo không gian từng tầng. Tầng 1 là siêu thị hải sản, các sản phẩm hải sản đặc trưng địa phương như: Chả mực, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, ruốc tép và các sản phẩm OCOP Hạ Long. Tầng 2 là sản phẩm OCOP các địa phương trong tỉnh.

faf
Giới thiệu đặc sản mắm Cái Rồng ở Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Hạ Long.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: Phục vụ thị hiếu khách du lịch, Trung tâm rất cẩn thận trong việc lựa chọn các sản phẩm OCOP đặc trưng nhất, dưới dạng đặc sản vùng miền. Các sản phẩm được chọn đều đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, được cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối cung cấp. Vì thế, các sản phẩm ở đây khẳng định về chất lượng, chủng loại, giá cả. Thậm chí nhiều sản phẩm được gia công về mẫu mã, tem mác theo yêu cầu của Trung tâm.

Theo quan sát, ngoài lựa chọn kỹ lưỡng về chủng loại, sản phẩm OCOP đều được trưng bày khá sinh động, đa dạng. Thậm chí nhiều sản phẩm như chả mực, ruốc hải sản… còn được trình diễn quy trình chế biến, cho du khách thưởng thức tại chỗ. Để tăng sức hấp dẫn, còn có khoảng 250 mặt hàng là sản phẩm OCOP đặc trưng các địa phương như: Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang… Với cách tổ chức này, doanh số bán sản phẩm OCOP đạt cao, hàng chục triệu đồng với mức trung bình từ 1.500-3.200 lượt khách/ngày.

“Có thể thấy việc lựa chọn các sản phẩm OCOP đặc trưng, phù hợp vào các điểm dừng chân, điểm đến phục vụ du khách là hướng đi hiệu quả trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Để thúc đẩy các điểm như này, chúng tôi hỗ trợ kết nối, lựa chọn những sản phẩm OCOP tốt nhất đưa tới du khách” – ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương chia sẻ.

Ngoài sự hỗ trợ, có thể thấy để hút khách, có không ít các điểm, trung tâm này đều có cách làm riêng để tiếp cận du lịch, thu hút khách hiệu quả. Với Quảng Ninh Gate, là lợi thế của một điểm dừng chân đa dạng các dịch vụ hậu cần đồng bộ phục vụ khách du lịch như: Ăn uống, giải khát, trạm cung cấp xăng dầu, quầy cung cấp thông tin về giao thông, thời tiết; kèm theo chuỗi các công trình phụ trợ bao gồm cảnh quan cây xanh, khuôn viên tổ chức sự kiện, khu trải nghiệm…

Cùng với không gian sáng đẹp, năng động, hiện đại, nơi đây dành hẳn khu vực rộng khoảng 3.200m2 cho trưng bày bán các sản phẩm OCOP cùng với nhiều sản phẩm, món ăn đặc trưng địa phương được chế biến tại chỗ. Đây chính là cách tạo sức hấp dẫn để du khách thích thú, tìm hiểu và mua sản phẩm về làm quà.

Một ví dụ khác là Cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong khuôn viên siêu thị Go (TP Hạ Long). Ở đây kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm OCOP và khá đa dạng với chừng 100 đầu sản phẩm, trong đó có 80 đầu sản phẩm là sản phẩm OCOP của tỉnh và khoảng 20% là sản phẩm OCOP, các đặc sản các địa phương lân cận có chọn lọc. Không có lợi thế về không gian, điểm bán hàng này có cách tiếp cận khách du lịch với các sản phẩm OCOP khá độc đáo, hiện đại.

ff
Để thu hút du khách, các điểm, trung tâm bán hàng đều có sự lựa chọn công phu, cẩn thận các sản phẩm OCOP.

Ngoài tham quan, xem và mua trực tiếp, để tiếp cận du khách, điểm kinh doanh này có chiến thuật tiếp cận bằng các công cụ… tìm kiếm qua mạng. Đó là các thông tin, các từ khóa mà du khách khi đi du lịch hay tìm kiếm nhất. Khi du khách tìm kiếm mua các đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, trang web của cửa hàng sẽ hiện lên đầu tiên trong bảng kết quả…

Theo thống kê hiện tại, trong toàn tỉnh có khoảng 29 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đa phần các trung tâm, điểm bán hàng OCOP trên đều hướng tới đối tượng khách hàng tiêu dùng hàng ngày, tại địa phương. Số ít các đơn vị như trên có sự đầu tư, công phu trong cách thức tiếp cận du lịch. Rõ ràng đây là kênh hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP dưới dạng đặc sản địa phương; tiêu thụ một lượng lớn và đều đặn sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, để đứng vững và hiệu quả, các điểm, trung tâm phải có sự đầu tư lớn hoặc luôn đổi mới trong cách tiếp cận, lựa chọn sản phẩm để hút khách.

Tạ Quân