Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, ngoài việc gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP thì công tác xúc tiến, tiêu thụ các sản phẩm này trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Các sở, ngành, địa phương và chủ thể sản xuất đang tích cực phối hợp, hỗ trợ cùng nhau thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP một cách bền vững hiệu quả nhất.

Người dân, du khách tới thăm quan, mua sắm các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh năm 2022.
Người dân, du khách tới tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh năm 2022.

Để sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng rãi và tới gần hơn nữa với người tiêu dùng, du khách, Sở Công Thương đã phối hợp với Văn phòng điều phối NTM tỉnh và các địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối, tuần xúc tiến, hội chợ…

Điển hình như, triển khai chương trình Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày thương hiệu Việt Nam 20/4 năm 2022; Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022; tổ chức Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; xây dựng Bộ nhận diện tỉnh Quảng Ninh và các mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang đặc trưng Quảng Ninh; triển khai Tuần lễ Thái Lan 2022 tại Quảng Ninh; triển khai hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh thành trong nước.

Mới đây nhất, Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh năm 2022 đã được tổ chức thành công tại khuôn viên Siêu thị GO! Hạ Long và tại dãy phố cổ, Công viên Hạ Long Park. Doanh thu đạt gần 1,6 tỷ đồng và gần 13.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm. Nhiều sản phẩm có lượng tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao, như: Trứng vịt biển Đồng Rui (Tiên Yên); hải sản Cô Tô; nem chua Quảng Yên; sữa Đông Triều; gà hút chân không Tiên Yên; miến Bình Liêu…

Chị Nguyễn Thị Toa, đại diện cơ sở sản xuất bánh Trung thu Xuân Thế, cho biết: Chúng tôi là hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm bánh trung thu OCOP đến từ huyện Hải Hà. Hiện tại sản phẩm của chúng tôi đã được xếp hạng 3 sao. Tôi thấy rằng, thông qua các kỳ hội chợ, tuần xúc tiến thương mại được tỉnh tổ chức đã giúp cho chúng tôi tiêu thụ, quảng bá sản phẩm rất hiệu quả. Đặc biệt, đó cũng là hoạt động tích cực để kết nối các nhà sản xuất sản phẩm OCOP trong tỉnh với thị trường tiêu thụ gắn với du lịch, giúp các nhà sản xuất sản phẩm OCOP như chúng tôi phát triển được thêm các đại lý. Qua đó, tiếp tục quảng bá và đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh trở thành sản phẩm dịch vụ, quà tặng phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Đại diện Sở Công thương Quảng Ninh và đại diện tập đoàn Central Retail về việc hỗ trợ phân phối các sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên toàn hệ thống GO!
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh và đại diện Tập đoàn Central Retail về việc hỗ trợ phân phối các sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên toàn hệ thống GO!

Từ khi mới bắt đầu chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” năm 2013 cho đến nay, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã dần dần tìm được vị thế, chỗ đứng và niềm tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Sản phẩm OCOP đều được đầu tư bài bản trong sản xuất về mẫu mã sản phẩm. Các sản phẩm OCOP không ngừng gia tăng về cả số lượng và chất lượng qua từng năm. Đến nay, chương trình OCOP Quảng Ninh đã phát triển và có tổng số 502 sản phẩm tham gia Chương trình, trong số đó đã có trên 269 sản phẩm đạt xếp hạng từ 3-5 sao, với sự tham gia của 189 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo được sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP của tỉnh thực sự trở thành “đặc sản” thu hút người dân, du khách thì vẫn cần rất nhiều điều phải thực hiện. Chính vì vậy, trong giai đoạn mới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu đối với những sản phẩm OCOP chất lượng, tiêu biểu. Trong đó, sẽ tập trung tăng cường hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước, quốc tế… để sản phẩm OCOP của Quảng Ninh tiếp tục được quảng bá rộng rãi và vươn xa hơn tới nhiều thị trường. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ nâng cấp chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch.

Minh Đức