Ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều nông dân đã thực hiện số hóa với các cánh đồng, khu sản xuất, tạo giá trị gia tăng và tính minh bạch của sản phẩm.
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Hiện nhiều người dân, doanh nghiệp, HTX đã nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số, không chỉ tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, mà còn chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm.
Người nông dân đã đưa các sản phẩm chất lượng cao lên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee. Từ việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình thương mại, mã hóa thông số…, hầu như tất cả các nông sản của tỉnh có ưu thế trên thị trường được hệ thống phân phối uy tín trong nước đón nhận, người tiêu dùng ưa chuộng.
Điển hình tại TX Đông Triều, người dân, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao như thiết bị cảm ứng nhiệt độ, tự động hóa việc bón phân, phun thuốc cho cây trồng, từ đó giảm những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định.
Công ty TNHH Long Hải (TX Đông Triều) đã đưa vào vận hành dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản. Với dây chuyền này, mọi yếu tố từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế và tự động hóa. Qua đó vừa giảm được nhân công lao động, vừa đảm bảo cây nấm phát triển tốt, giữ hàm lượng vi chất cao hơn nhiều lần so với nấm trồng theo các phương pháp thông thường.
Tháng 4 vừa qua, TX Đông Triều là địa phương đầu tiên trong tỉnh đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu, có thể tiết kiệm được 30% chi phí thuốc trừ sâu, 90% lượng nước tưới, mỗi ngày có thể phun được từ 70-80ha cây trồng các loại, điều quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe người nông dân, không bị ảnh hưởng trực tiếp do thuốc bảo vệ thực vật.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi của huyện Tiên Yên đã áp dụng hình thức chuyển đổi số bằng việc đưa các phương tiện công nghệ vào sản xuất, đổi mới kênh thông tin bán hàng, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương (đạt chuẩn 4 sao). Sản phẩm đã được dán tem nhận diện thương hiệu và mã vạch truy xuất nguồn gốc và thay đổi hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng online, thu hút rất nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh, mỗi ngày đưa ra thị trường từ 12.000-15.000 quả trứng.
Nhiều hộ chăn nuôi của huyện còn áp dụng công nghệ số bằng việc trang bị hệ thống camera giám sát chuồng, trại. Từ đó giảm sức lao động và chi phí trong sản xuất. Trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có trên 400 cơ sở chăn nuôi theo quy mô tập trung; trong đó khoảng 20% cơ sở đã bước đầu áp dụng đổi mới các hình thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bằng cách tích hợp công nghệ kỹ thuật số.
Qua các trang điện tử, ngành Nông nghiệp tỉnh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13/13 địa phương với các siêu thị, chợ, 27 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Việc chuyển đổi số toàn diện trong nông nghiệp bước đầu mang lại những kết quả thiết thực. Tuy nhiên, để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, người dân cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng các công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất để tạo dựng môi trường sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.