Chuyện về những nông dân thời chuyển đổi số

Những năm qua, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên, nông dân như nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra…, Hội Nông dân tỉnh cũng đã quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, đã có nhiều nông dân trong tỉnh đã bắt nhịp với chuyển đổi số, trở thành những nông dân 4.0.

Nuôi vịt trong nhà lạnh

Tại xã Cẩm La (TX Quảng Yên), hộ nông dân Đồng Quang Cường triển khai mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và vịt đẻ lấy trứng, quy mô gần 30.000 con vịt thương phẩm mỗi năm, 7.000 con vịt đẻ trứng mỗi ngày. Nếu chăn nuôi theo phương pháp thông thường sẽ cần nhiều nhân công, diện tích rộng, phải “một nắng hai sương” trên ruộng đồng. Thế nhưng, ở mô hình mới của ông Cường chỉ cần các khu nhà lạnh, sử dụng ứng dụng để kết nối và điều khiển các yếu tố trong trang trại từ xa. Môi trường bên trong nhà lạnh được theo dõi, quản lý bằng máy tính để tạo ra môi trường tốt nhất cho con vịt phát triển.

Đàn vịt của nông dân Đồng Quang Cường được nuôi trong môi trường nhà lạnh.
Đàn vịt của nông dân Đồng Quang Cường được nuôi trong môi trường nhà lạnh.

Toàn bộ đàn vịt thịt được nuôi trong nhà lạnh, mô hình chuồng trại khép kín, chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của con vịt. Hệ thống thiết bị cấp thức ăn, nước uống cho vịt vận hành tự động, theo lập trình có sẵn, gần như không có sự can thiệp của con người. Hệ thống xử lý thải áp dụng công thức đệm lót sinh học, không những không phát tán nguồn thải ra môi trường, mà còn thu được phụ phẩm để hỗ trợ cho lĩnh vực trồng trọt. Nuôi vịt đẻ lấy trứng cũng áp dụng quy trình nuôi như vịt thương phẩm, nhằm đảm bảo chất lượng trứng. Để gia tăng giá trị, ông Cường áp dụng thêm công nghệ ấp trứng tự động để cho ra sản phẩm trứng vịt lộn.

Các thông số chăn nuôi tại chuồng trại đều được ông Cường mã hoá, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh của mình. Dù ở không gian, thời gian nào ông Cường cũng nắm rõ tình hình sản xuất thực tế, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua các mã lệnh được cài đặt trên app, qua đó xử lý những tình huống phát sinh.

Mã hóa quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo

Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Phương Thùy (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) là một đại diện cho phương thức sản xuất nông nghiệp đô thị, tức là áp dụng KHKT trên diện tích canh tác nhỏ để tạo ra lượng sản phẩm lớn, có chất lượng, giá trị cao.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo trong lò sấy công nghệ cao, giữ tươi nguyên tinh chất.
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo trong lò sấy công nghệ cao, giữ tươi nguyên tinh chất.

Chủ cơ sở Phương Thùy là chị Nguyễn Thị Mai Phương, đã vận dụng kiến thức KHCN để áp dụng vào mô hình sản xuất, chế biến nấm đông trùng hạ thảo. Từ nền tảng kế thừa thành công của một công trình nghiên cứu cấp bộ, Phương Thùy áp dụng dây chuyền, thiết bị, quy trình sản xuất nấm hiện đại, tiếp nhận phôi nấm về nuôi, sử dụng công thức chế biến sản phẩm dưới sự tư vấn, giám sát của các nhà khoa học. Hiện quy trình sản xuất của Phương Thùy gần như tự động, sản phẩm được mã hoá, điều khiển sản xuất thông qua mạng internet.

Từ quy trình sản xuất tiên tiến này, Phương Thùy đưa ra thị trường hơn chục sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo; trong đó có 3 sản phẩm OCOP 3 sao, những sản phẩm còn lại nằm trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của Phương Thùy được giới chuyên môn đánh giá cao, với ưu thế là tỷ lệ dược chất cao, được nuôi dưỡng trong môi trường vô trùng nên sạch, được sấy bằng công nghệ sấy thăng hoa (làm khô lạnh) nên giữ nguyên được hình dáng, màu sắc nấm… Sản phẩm đang xuất theo đơn đặt hàng của một số đơn vị ngành Than, ký gửi tại hệ thống hiệu thuốc trong và ngoài tỉnh.

Nâng tầm danh trà bằng công nghệ sấy thăng hoa

Ông Lê Mạnh Quy (thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) có 4ha trồng trên 10.000 cây trà hoa vàng, làm chủ các kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, xây dựng thương hiệu và buôn bán thương mại các sản phẩm trà hoa vàng. Mỗi năm ông Quy thu khoảng 1 tấn hoa, lá trà hoa vàng khô, chế biến thành 10 loại sản phẩm khác nhau, rất được thị trường ưa chuộng, doanh thu gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận ở mức 30% doanh thu.

Sản phẩm trà hoa vàng của ông Lê Mạnh Quy được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia năm 2022.
Sản phẩm trà hoa vàng của ông Lê Mạnh Quy được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia năm 2022.

Đặc thù mô hình sản xuất sản phẩm trà hoa vàng vẫn cần những khâu thủ công để đảm bảo cao nhất chất lượng, việc số hoá đã được áp dụng ở những khâu còn lại. Cụ thể trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng theo hướng hữu cơ để thu được hoa to, lá mỡ màng, có chỉ số ATTP cao hơn; thu hoạch hoa trà bằng tay khi bông hoa vừa chớm nở, không có hoặc có rất ít cuống hoa, đảm bảo cao nhất tinh chất trong hoa; sấy hoa bằng công nghệ đông lạnh thăng hoa, giữ được đến 99% tinh chất tự nhiên, 97% hình dáng, khiến cho bông hoa sau sấy không khác bông hoa tươi nguyên trên cành lá. Sản phẩm được đóng gói có mã QR, có logo thương hiệu…

Từ những ưu thế có được, năm 2022 sản phẩm trà hoa vàng của ông Lê Mạnh Quy được Hội đồng thẩm định trung ương đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Kết quả này là động lực để ông Quy tiếp bước mong muốn xuất khẩu trà hoa vàng ra nước ngoài, bao gồm cả những thị trường khó tính.

Số hoá nền sản xuất nông nghiệp, xây dựng những nông dân số giờ đây không còn là khái niệm lạ lẫm, mới mẻ; thực chất đang được nông dân Quảng Ninh triển khai. Tại một cuộc làm việc của Hội Nông dân Việt Nam với tỉnh Quảng Ninh năm 2022, nhiều đại biểu cho rằng, Quảng Ninh có trên 99.000 hội viên nông dân, không phải tất cả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ nông sản bằng thương mại điện tử, điều hành sản xuất thông qua thiết bị thông minh hoặc hệ thống tự động hoá…; nhưng khi cần, họ đều có thể nhanh chóng tiếp cận và làm chủ những kỹ thuật hiện đại này.

Việt Hoa