Cô Tô: Phát triển sản phẩm OCOP chủ lực

Thời gian qua, huyện Cô Tô luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, mang thương hiệu của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu OCOP Cô Tô trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm OCOP mực khô Cô Tô được người dân lựa chọn tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022.

Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô, cho biết: Thực hiện phát triển sản phẩm OCOP địa phương, Cô Tô đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình OCOP cấp huyện. Theo đó, hằng năm, đều ban hành các kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình OCOP theo chủ đề từng năm, từ đó đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị có liên quan để thực hiện. Đồng thời, tập trung bố trí nguồn lực và đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình OCOP, Chu trình OCOP hàng năm tới các cơ sở, đơn vị trên địa bàn huyện, qua hệ thống thông tin, như: Cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh, các buổi tập huấn, hội nghị, zalo, facebook…

Các xã, thị trấn cũng chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát quy hoạch diện tích, bố trí khu vực sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung; đồng thời, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất để đảm bảo các sản phẩm OCOP được sản xuất trong điều kiện tốt nhất, nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng đến việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP cho các hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn.

Điển hình, đã thực hiện hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại, xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP cho các cơ sở OCOP. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ 568,6 triệu đồng lãi suất cho 3 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại cho 7 cơ sở; hỗ trợ xây dựng 1 điểm bán hàng OCOP; hỗ trợ xây dựng 2 website cho 2 cơ sở OCOP.

Trong phát triển sản phẩm OCOP mới, hằng năm, huyện Cô Tô hướng dẫn các cơ sở phát triển ý tưởng sản phẩm mới dựa trên thế mạnh của địa phương về thủy hải sản. Thời điểm hiện tại, huyện đang tập trung hướng dẫn, xây dựng 2 cơ sở phát triển ý tưởng sản phẩm nước mắm sá sùng Cô Tô và sứa ăn liền Cô Tô. Đây được coi là những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của huyện Cô Tô.

Đối với việc phát triển sản phẩm OCOP chủ lực, huyện Cô Tô đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt danh mục sản phẩm lợi thế huyện Cô Tô từ năm 2020 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm là: Ốc đá, ốc màu, cá duội khô, nước mắm, sứa biển (sứa ướp muối, sứa ăn liền). Hiện nay, đã có sản phẩm cá duội khô và sản phẩm nước mắm tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm sứa ăn liền đã hoàn thiện nhãn mác, bao bì và ý tưởng sản phẩm để trình Văn phòng điều phối NTM tỉnh xem xét, phê duyệt đưa vào Chương trình OCOP. Đối với sản phẩm ốc đá, ốc màu là những sản phẩm tươi sống, đang xem xét vận động các cơ sở đã tham gia vào Chương trình OCOP và cơ sở nuôi trồng thủy sản để đưa sản phẩm ốc đá, ốc màu vào Chương trình OCOP.

Huyện Cô Tô có 18 sản phẩm OCOP được xếp hạng sao.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Cô Tô có 7 cơ sở OCOP với 59 sản phẩm, trong đó 16 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao, các sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm hải sản, gồm: Mực ống Cô Tô khô, cá duội Cô Tô, cá thu Cô Tô một nắng, chả hải sản Cô Tô, chả mực Cô Tô, cơ trai Cô Tô đông lạnh, cá đục Cô Tô, mực lá Cô Tô một nắng, nước mắm Cô Tô, mực lá Cô Tô đông lạnh, tôm nõn Cô Tô đông lạnh, hải sâm Cô Tô đông lạnh, mực ống Cô Tô một nắng, cá ngựa Cô Tô đông lạnh.

Thời gian tới, để phát triển sản phẩm OCOP, huyện Cô Tô tập trung phát triển sản phẩm OCOP mang tính trọng tâm, trọng điểm, có tính lợi thế và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP huyện Cô Tô thành thương hiệu trong tốp đầu của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo hạ tầng cơ sở đã tham gia Chương trình OCOP, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ, tăng tính cạnh tranh của cơ sở; phát triển thêm các cơ sở có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia vào Chương trình OCOP. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Minh Đức