Đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản

Thủy sản Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển. Đó là vùng ngư trường Vịnh Bắc Bộ rộng lớn và giàu nguồn lợi, thuận lợi về khai thác thủy sản (KTTS); đường bờ biển dài 250km thuận lợi giao thương; 20.000ha eo biển kín gió, thuận lợi để nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở vùng biển sâu; 21.000ha bãi triều và 43.000ha rừng ngập mặn là bãi đẻ, môi trường cư trú, phát triển của thủy hải sản…

Hiện nay, thủy sản Quảng Ninh đang phát triển đúng hướng bền vững và giá trị cao. Thể hiện ở sự dịch chuyển mạnh mẽ từ khai thác gần bờ sang xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển; chuyển dịch từ nuôi trồng quảng canh sang nuôi công nghiệp. Cơ cấu ngành thủy sản Quảng Ninh đã thiên về các ngành nuôi thủy sản.

Người dân Quảng Yên thả nuôi hàu cửa sông.

Năm 2019, ngành thủy sản mang lại cho tỉnh gần 131.000 tấn sản phẩm các loại, đạt giá trị trên 5.500 tỷ đồng, bằng 57% giá trị toàn ngành nông nghiệp; bằng giá trị của cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp cộng lại. Kể từ đó đến nay, thủy sản luôn là lĩnh vực trụ đỡ, xương sống của kinh tế nông nghiệp tỉnh, sản lượng, giá trị năm sau cao hơn năm trước.

Để đạt được kết quả này, trong NTTS, thay vì nuôi tràn lan, Quảng Ninh tập trung vào những đối tượng nuôi chủ lực; thay vì nuôi phụ thuộc vào tự nhiên, Quảng Ninh ứng dụng công nghệ tiên tiến để làm chủ quy trình nuôi.

Ở TP Cẩm Phả đã quy hoạch 5 vùng nuôi cá tập trung, xa bờ; quy định số lượng hộ nuôi, số lượng lồng nuôi dựa trên diện tích và sức tải môi trường; giám sát quy trình nuôi có gắn với các tiêu chuẩn đảm bảo môi trường. Trên Vịnh Hạ Long, Vung Viêng là khu vực đặc biệt được tỉnh cho phép NTTS trong vùng lõi của vịnh với mô hình nuôi gắn với du lịch biển. Đối với Vân Đồn, vùng nuôi nhuyễn thể lớn nhất tỉnh được quy hoạch trên 4.000ha…

Hiện nay, để NTTS bền vững, nhiều người dân đã chủ động thay thế phao xốp bằng phao nổi có các thông số chuẩn HDPE.
Hiện nay, để NTTS bền vững, nhiều người dân đã chủ động thay thế phao xốp bằng phao nổi có các thông số chuẩn HDPE.

Con tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực số một của thủy sản Quảng Ninh. Hiện trong tổng diện tích trên 21.000ha nuôi gần bờ của Quảng Ninh đã có trên 7.000ha là nuôi tôm thẻ chân trắng; trong đó 4.000ha là nuôi theo công nghệ 2, 3 giai đoạn, nuôi trong nhà kính, nhà màng… cho giá trị cao gấp 70 lần nuôi tự nhiên. Nhờ đó sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh 7 tháng năm 2022 đạt trên 13.000 tấn, là tiền đề để Quảng Ninh đạt mục tiêu 25.000 tấn tôm cả năm 2022.

Để tăng giá trị cho con tôm, một trong những thành công của Quảng Ninh là việc thu hút được Tập đoàn Việt – Úc đầu tư vào sản xuất tôm giống tại chỗ. Tính từ sau tháng 3/2019, với mẻ tôm giống đầu tiên 12 triệu con được ra đời, Tập đoàn Việt – Úc đã sản xuất ổn định tại Quảng Ninh, cung ứng ra thị trường hàng tỷ con giống chất lượng cao mỗi năm, xóa điểm nghẽn về giống tôm nhiều năm qua cho Quảng Ninh.  

Trong lĩnh vực KTTS, nếu như trước đây, ngư dân Quảng Ninh chủ yếu là KTTS ven bờ với phương tiện nhỏ, ngư lưới cụ thủ công, đơn giản thì gần đây số lượng đội tàu công suất lớn, hiện đại, khai thác tại các ngư trường xa ngày càng lớn.

Mô hình sản xuất rong sụn tại huyện Vân Đồn đang mở ra hướng mở trong lĩnh vực nuôi biển.
Mô hình sản xuất rong sụn tại huyện Vân Đồn đang mở ra hướng mở trong lĩnh vực nuôi biển.

Theo thống kê của đơn vị chức năng, hiện toàn tỉnh có gần 700 tàu công suất trên 90CV, trong đó 210 tàu lớn có chiều dài trên 15m. Khoảng 30% số tàu đánh bắt xa bờ đã hình thành liên kết thông qua mô hình tổ, đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá và HTX thủy sản trên biển, vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Có thể thấy, thủy sản Quảng Ninh đang ngày càng phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát triển bền vững, đúng hướng. Sự chuyển động này cho phép thủy sản Quảng Ninh tiến ra biển, gắn với khoa học công nghệ cao và vươn ra thị trường xuất khẩu quốc tế hiện đại và hội nhập.

Việt Hoa