Mô hình chợ 4.0 ở Hạ Long

Tháng 8/2022, gần 3.000 tiểu thương tại chợ Hạ Long I, Hạ Long II, chợ Cái Dăm đã được các đơn vị viễn thông, ngân hàng triển khai mở miễn phí các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một trong những giải pháp thực hiện chuyển đổi số mà TP Hạ Long đang triển khai nhằm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng mô hình “Chợ công nghệ số – chợ 4.0”.

Viettel Quảng Ninh hướng dẫn chủ cửa hàng tạp hóa Thu The tại chợ Hạ Long I cài đặt ứng dụng Viettel Money để thanh toán không dùng tiền mặt.

Với mô hình “Chợ công nghệ số – chợ 4.0”, hơn 1.200 tiểu thương tại chợ Hạ Long I đã được Viettel Quảng Ninh hướng dẫn đăng ký tính năng điểm chấp nhận thanh toán hoàn toàn miễn phí trên Viettel Money và dùng Viettel Money để thanh toán các loại phí tại chợ. Tiểu thương được trang bị miễn phí các vật phẩm phù hợp có QR-Code để dùng cho việc thanh toán. Hiện tiểu thương và khách hàng mua bán tại chợ Hạ Long I trong quá trình giao dịch sẽ thanh toán tiền bằng cách quét mã VietQR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money thay cho hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt.

Theo bà Nguyễn Thị The, chủ cửa hàng tạp hóa Thu The (chợ Hạ Long I): Sau ít ngày sử dụng, tôi thấy việc cài đặt mã QR-Code khá thuận tiện cho công việc kinh doanh, dễ dàng thao tác hơn so với chuyển khoản ngân hàng. Việc tiếp cận với công nghệ hiện đại này giúp cho việc thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, giảm thiểu sự nhầm lẫn so với việc thanh toán bằng tiền mặt.

Bên cạnh thanh toán cho các giao dịch khi mua hàng, các tiểu thương có thể dễ dàng thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ như: Tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường. Với những tiện ích trên mang lại, đây cũng là lý do khiến nhiều chủ cửa hàng tại chợ Hạ Long I nhanh chóng chuyển sang hình thức thanh toán mới khi được nhân viên của Viettel Quảng Ninh giới thiệu.

Nhân viên Viettel Quảng Ninh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng Viettel Money để thanh toán không dùng tiền mặt.

Không chỉ mang đến thuận tiện cho tiểu thương, những khách hàng đến chợ cũng rất hưởng ứng hình thức thanh toán mới này, nhất là những khách du lịch ở xa đến.

Chị Nguyễn Lệ Thanh (TP Hà Nội) cho biết: Mỗi lần đi du lịch Hạ Long, tôi thường qua chợ Hạ Long I để mua hải sản, chả mực về làm quà, hoặc mua hộ bạn bè, người thân, có những chuyến mua hàng lên tới chục triệu đồng. Vì vậy, tôi rất ủng hộ việc quét mã QR-Code hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của VNPT Mobile Money thay vì trả tiền mặt. Điều này sẽ giúp khách du lịch có thể thoải mái đi chợ mà không phải mang theo nhiều tiền mặt vì có thể bị đánh rơi, hoặc nhầm lẫn trong quá trình thanh toán, phù hợp với tâm lý ngại mang tiền đến nơi đông người.

Khách hàng thanh toán không chạm qua VNPT Money tại chợ Cái Dăm.

Còn tại chợ Hạ Long II và chợ Cái Dăm, từ đầu tháng 8 đến nay, VNPT Quảng Ninh và Ngân hàng TMCP Nam Á – Chi nhánh Quảng Ninh cũng đã tổ chức ra quân mở miễn phí các điểm chấp nhận thanh toán thông qua VNPT Money và Open Banking.

Ông Lê Trung Nhất, Trưởng Phòng điều hành nghiệp vụ VNPT Quảng Ninh, cho biết: Với phương châm đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, kể từ khi hệ sinh thái số VNPT Money đi vào hoạt động, VNPT sẽ tặng ngay 30.000 đồng cho khách hàng mở mới ví ngay tại chợ Cái Dăm, cùng nhiều chương trình ưu đãi khác như giảm giá nạp thẻ, quà tặng, voucher, chiết khấu hóa đơn… Đồng thời, VNPT Quảng Ninh cũng tổ chức tư vấn, mở dịch vụ miễn phí và trang bị ấn phẩm có QR-Code tại từng ki-ốt trong chợ. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ lên kế hoạch để triển khai các dịch vụ này tại chợ Trới (phường Hoành Bồ).

Có thể thấy, việc triển khai mô hình “Chợ 4.0” là bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa Kế hoạch về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025 của UBND TP Hạ Long. Theo đề án, đến năm 2025, TP Hạ Long phấn đấu có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 20-25%/năm. Để đạt được những mục tiêu trên thì việc thanh toán số cần được đi vào từng giao dịch trong cuộc sống thường nhật, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là phục vụ được cho các hoạt động thanh toán hằng ngày. Do đó, việc triển khai số hóa thanh toán tại chợ là một trong những giải pháp để TP Hạ Long có thể đạt được mục tiêu này một cách nhanh chóng và bền vững.