Đầm Hà: Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP

Sau 6 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã từng bước khẳng định là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, hiệu quả ở Đầm Hà. Các sản phẩm tham gia chương trình đã được nhân dân trong huyện, tỉnh và các tỉnh, thành khác biết đến. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình ngày càng có ý thức xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Mấy năm gần đây, sản phẩm OCOP Chân giò nướng Ba miền của hộ ông Phan Văn Khôi (thôn Tân Mai, xã Tân Lập, Đầm Hà) không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân Đầm Hà mà còn được nhiều khách hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên… tin dùng.

Ông Khôi cho biết: Từ khi tham gia Chương trình OCOP, Chân giò nướng Ba miền của gia đình được sản xuất bài bản, quy mô hơn, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm. Sản phẩm cũng được hỗ trợ để hoàn thiện bao bì, nhãn mác, quảng bá tại các hội chợ, lễ hội, điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP… Từ đó, quy mô sản xuất mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Chân giò nướng Ba miền của gia đình đã đạt 3 sao tại Cuộc thi đánh giá và xếp hạng chất lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

gh
Khách đến mua hàng tại Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Đầm Hà.  

Chị Tô Thị Nhung (phố Tân Phú, thị trấn Đầm Hà) đăng ký phát triển sản phẩm Khau nhục Tô Nhung vào đầu năm 2019. Gia đình chị làm món khau nhục bán ra thị trường hơn 7 năm nay, đã khẳng định được chất lượng và được nhiều thị trường lựa chọn. Chị quyết định tham gia Chương trình OCOP với mong muốn sản phẩm mình làm ra được “nâng chất”, chuyên nghiệp hơn và được hỗ trợ, quảng bá nhiều hơn. “Sau khi đăng kí tham gia Chương trình OCOP, tôi được các cán bộ Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ và tư vấn rất nhiều trong việc làm các thủ tục liên quan. Tôi cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chế biến, nồi hấp, bếp ga công suất lớn… để mở rộng sản xuất. Tôi tin rằng với cách làm bài bản và được sự hỗ trợ từ Chương trình OCOP của huyện, tỉnh, sản phẩm Khau nhục Tô Nhung của tôi sẽ có sự phát triển” – chị Nhung chia sẻ.

Tính đến tháng 6/2019, Đầm Hà có 23 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 3-4 sao. Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện có 2 HTX, 1 công ty, 1 hộ gia đình đăng ký phát triển 5 sản phẩm mới. Ban Điều hành OCOP huyện đã cử cán bộ chuyên môn đến tận cơ sở để hướng dẫn về quy trình, thủ tục, chính sách hỗ trợ… để các cơ sở nắm được và chủ động triển khai.

gg
Đóng gói chân giò nướng Ba miền tại hộ gia đình ông Phan Văn Khôi.

Các tổ chức tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã có những bước tiến nhất định. Từ việc trông chờ, hoạt động kém hiệu quả, đến nay các HTX, hộ gia đình đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm, mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc, nhà xưởng… để nâng cao số lượng, chất lượng và mẫu mã bao bì sản phẩm. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, hộ dân trong phát triển các sản phẩm, đặc biệt là trong xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Từ nay đến cuối năm, huyện Đầm Hà sẽ tổ chức hội thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019 cấp huyện, từ đó hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm để tham gia hội thi cấp tỉnh. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của địa phương trong danh mục được HĐND huyện thông qua theo thứ tự ưu tiên sản phẩm phát triển hiệu quả bền vững, sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện chu trình OCOP năm 2019, huyện tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đăng kí phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ, đôn đốc các cơ sở sản xuất phát triển mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương.

HOÀNG QUÝ (Báo Quảng Ninh)