Với tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, các nông sản chủ lực, thế mạnh của huyện Đầm Hà ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Đinh Văn Thắng (thị trấn Đầm Hà) có hơn 10 năm chăn nuôi ngan sao. Từ năm 2020 đến nay, anh từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và có liên kết. Năm 2021 anh cùng với một số hộ chăn nuôi trên địa bàn thành lập HTX Thắng Huệ, chăn nuôi gia cầm thương phẩm, gia cầm lấy trứng, dịch vụ ấp trứng gia cầm thuê cho người dân, cung ứng giống gia cầm… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ những thuận lợi trong liên kết chăn nuôi, HTX Thắng Huệ mở rộng phát triển chuyên sâu sản phẩm ngan sao Đầm Hà, đưa sản phẩm này vào danh mục sản phẩm OCOP. Theo anh Thắng, ngan sao Đầm Hà là giống ngan địa phương có ưu điểm thịt chắc, ngọt, thơm rất khác biệt so với các loại ngan khác trên thị trường. Hiện sản phẩm ngan sao của HTX sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Những năm gần đây, HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân) đi đầu trong xu hướng phát triển sản vật địa phương. HTX triển khai nhân giống gà râu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, áp dụng quy trình chăn nuôi trong nhà lạnh, liên kết với 200 nông hộ chăn thả đàn gà râu một cách có kiểm soát về thành phần thức ăn. Đến nay quy mô sản xuất của HTX tăng lên nhanh chóng, mỗi năm xuất bán trên 250.000 con gà giống, 150 tấn gà thương phẩm, doanh thu chục tỷ đồng.
Theo quy hoạch chung phát triển đến năm 2025, huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch; đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng KHKT. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, dây chuyền hiện đại, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Có nhiều tập đoàn, công ty lớn đầu tư vào huyện, như: Tập đoàn Việt – Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC…, góp phần mở rộng quy mô và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương.
Công ty TNHH Thủy sản Việt – Úc Quảng Ninh tiên phong đầu tư xây dựng dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính. Công ty hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 24 nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, nhà máy xử lý nước theo công nghệ tiên tiến, phòng xét nghiệm dịch bệnh, lắp đặt vận hành mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà màng và đang tiếp tục thực hiện xây dựng các nhà sản xuất giống. Từ năm 2019 đến nay, Công ty đạt sản lượng 1,5-1,7 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng/năm, cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc; tạo việc làm cho khảng 100 lao động, thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Các nông sản Đầm Hà ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hoạt động của các tổ chức từ khi tham gia chương trình OCOP đã có những bước tiến nhất định, đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm, mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc, nhà xưởng… để nâng cao chất lượng, sản lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên kết, kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm, nhất là các sản phẩm tiêu biểu của địa phương ngày càng vươn xa.