Liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội luôn là một trong những mục tiêu để Hội Nông dân (HND) các cấp tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nông dân.
Ông Chương A Nhì (thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) chăm sóc đàn ong lấy mật của gia đình, chuẩn bị cho vụ thu hoạch cuối năm. |
Đẩy mạnh kết nối sản xuất
Những ngày này, ông Chương A Nhì (thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) đang bận rộn chăm sóc đàn ong lấy mật, chuẩn bị cho vụ thu hoạch cuối năm. Năm 2018, nhờ sự kết nối của HND huyện, ông Nhì được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng NTM và Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau một thời gian mở rộng quy mô, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, đến nay gia đình ông đã có 300 đàn ong, trung bình mỗi năm thu được 2,7 tấn mật, cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Có thể thấy, bên cạnh việc phát huy hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân, công tác phối hợp, huy động nguồn vốn từ ngân hàng đã được HND triển khai hiệu quả, giúp hội viên, nông dân mạnh dạn mở rộng, phát triển sản xuất. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 37 tỷ đồng, hỗ trợ gần 1.300 hộ vay qua 163 dự án. Đặc biệt, dư nợ vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 940 tỷ đồng, cho hơn 23.000 hộ vay; dư nợ qua Ngân hàng NN&PTNT đạt gần 530 tỷ đồng với khoảng 6.700 thành viên.
Bên cạnh đó, các cấp hội chủ động phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, hỗ trợ, hướng dẫn tư vấn cho nông dân sản xuất thông qua hình thức hợp tác, theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn. Trong 10 năm, HND tỉnh và cấp huyện đã tổ chức cho gần 400 lượt nông dân đưa khoảng 280 lượt sản phẩm của gia đình và sản phẩm đặc trưng của địa phương đi giới thiệu và tiêu thụ tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các HTX đi khảo sát thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, HND tỉnh đã xây dựng thành công 5 nhãn hiệu tập thể, bao gồm: Vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí); nếp cái hoa vàng và na dai (TX Đông Triều); mía tím của các huyện Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ; tôm chân trắng và lợn Móng Cái.
Gian hàng của HND tỉnh tại Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc – Quảng Ninh 2019 thu hút đông đảo người mua. |
Cùng với đó, HND tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng thương mại điện tử, bán hàng cho nông dân; tạo điều kiện để hội viên nông dân tham gia các phiên chợ, hội chợ, hội thảo do Sở Công Thương tổ chức. Trong kỳ Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc – Quảng Ninh 2019, tổ chức nhân dịp 2/9 vừa qua, HND tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ, tham gia với 4 gian hàng quảng bá, giới thiệu 46 sản phẩm của hội viên nông dân như: Hải sản Vân Đồn; nem chua, bánh gio, muối vừng, khoai sọ Quảng Yên; các loại chè, gạo lứt Hải Hà…
Nhờ sự liên kết chặt chẽ của HND với các doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tới nay HND các cấp đã hỗ trợ thực hiện 42 dự án phát triển sản xuất thông qua các nguồn vốn với tổng số tiền 32,4 tỷ đồng; trực tiếp giúp đỡ trên 1.900 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Hiện toàn tỉnh đã có trên 50.200 hộ đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, từ đó xuất hiện nhiều triệu phú nông dân, tạo việc làm cho hơn 18.000 lao động.
Hợp tác phát triển công tác hội
Bên cạnh giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, HND các cấp còn chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao nhận thức pháp luật; tổ chức các chương trình giao lưu, khen thưởng; hợp tác quốc tế… cho hội viên, nông dân. Trong đó, tuyên truyền là một trong những nội dung được HND tỉnh đặc biệt chú ý. Từ năm 2015 đến nay Hội đã phối hợp tuyên truyền với Trung tâm Truyền thông tỉnh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các kênh thông tin với nhiều chuyên đề, tin bài chất lượng. Đồng thời, tăng cường cập nhật thông tin, tình hình trên cổng thông tin điện tử thành phần và trên các ấn phẩm tuyên truyền của các ngành có liên quan.
Ngoài ra, Hội cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức gần 480 buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hơn 12.000 lượt người; phối hợp giải quyết 512 đơn thư khiếu nại tố cáo, tham gia hòa giải thành công gần 1.150 vụ việc trong nông dân.
HND tỉnh tổ chức Hội nghị tham vấn về dự án Xây dựng mô hình cộng đồng thu gom rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long (tháng 4/2019). |
Bên cạnh đó, công tác phối hợp, đối ngoại được HND tỉnh tích cực triển khai, chủ động kết nối với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Thời gian qua, HND tỉnh đã triển khai dự án Phát triển tiềm năng hợp tác xã tại tỉnh Quảng Ninh do Tổ chức Agriterra, Hà Lan hỗ trợ. Thông qua các hoạt động như tập huấn, hội thảo phát triển HTX, triển khai các hoạt động công cụ FACT… đã góp phần nâng cao năng lực quản lý HTX cho các thành viên. Bên cạnh đó, HND tỉnh đã hoàn thiện bước đầu dự án Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long với tổng kinh phí thực hiện trên 3,5 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung kết nối nông dân với doanh nghiệp, nhất là các HTX, hướng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nâng cao chất lượng nông sản cũng như kinh tế cho người dân. Đồng thời, tiếp tục phát triển các nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT… Bên cạnh đó, Hội sẽ chủ động tìm kiếm và kêu gọi các tổ chức quốc tế đầu tư, hỗ trợ nông dân tham gia bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tạo động lực để nông dân mở rộng sản xuất.
Nguồn tin: baoquangninh.com