Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trong phát triển hàng hoá nông sản thông qua việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, thúc đẩy xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP.
Dễ thấy nhất trong thực hiện chủ đề “Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP” năm 2019 là một loạt các hoạt động sôi nổi, đem lại hiệu quả cao trong việc quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong 9 tháng năm 2019, đã có 4 hội chợ cấp tỉnh, 6 hội chợ OCOP và hàng Việt ở địa phương cùng nhiều hoạt động xúc tiến khác, đem lại nhiều nét mới và cơ hội cho các doanh nghiệp. Thông qua các sân chơi này đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm đối tác, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Các đơn vị đã mở rộng được thị trường thông qua việc ký kết tiêu thụ với những siêu thị, đối tác lớn, mở thêm đại lý phân phối sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đơn cử, sau Hội chợ OCOP tại BigC Thăng Long (tháng 1/2019), một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm thường xuyên, như: HTX Đồng Tiến (Tiên Yên) tìm được nhà phân phối trứng vịt biển Đồng Rui; giò chả Hạ Long mở được đại lý tiêu thụ tại Hà Nội và một số sản phẩm khác cũng được bán lẻ tại Hà Nội… Cũng theo thống kê, 9 tháng năm 2019 đã có thêm 3 sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC, Vinmart+… nâng tổng số thành 13 sản phẩm với 17 mã hàng kết nối vào các siêu thị.
Tiếp nối thành quả, 9 tháng qua việc phát triển, gắn sao; kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP được chú trọng, đem lại một diện mạo mới cho chương trình. Ngoài tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phát triển sản phẩm, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã thẩm định, ra quyết định chấp thuận cho 97 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, tăng hơn 2 lần so với chỉ tiêu đề ra của năm 2019. Đồng thời, tổ chức Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh năm 2019 cho 103 sản phẩm, công nhận 73 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó đợt 1 có 58 sản phẩm đạt sao dự thi lần đầu, nâng tổng số lên thành 196 sản phẩm đạt sao trong toàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh còn tích cực tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm sau công nhận; chú trọng tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất, kinh doanh, về quy chuẩn tem nhãn, bao bì, bảo hộ nhãn hiệu, đánh giá xếp hạng sản phẩm. Cùng với đó là các giải pháp tăng cường quản lý, chuẩn hóa bằng tem điện tử, mã số, mã vạch; cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 100% sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Các hoạt động này góp phần khẳng định uy tín thương hiệu của sản phẩm OCOP, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Trong 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã có thêm 24 đơn vị kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Sự quan tâm hỗ trợ của chương trình OCOP đem lại hiệu quả nhất định, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Sản xuất nấm ăn cao cấp tại Công ty TNHH Long Hải, Đông Triều) |
Bên cạnh những kết quả tích cực cũng còn không ít vấn đề, hạn chế trong xây dựng, phát triển và nâng tầm sản phẩm OCOP. Đó là tình trạng một số sản phẩm tham gia OCOP từ lâu, thậm chí được đánh giá sao (từ năm 2016) nhưng chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, chưa tiếp cận được cơ chế chính sách của Nhà nước; chưa chú trọng mở rộng đầu tư sản xuất, công tác quản lý kém… dẫn tới việc không duy trì ổn định chất lượng, số lượng sản phẩm. Qua kiểm tra rà soát, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đang xem xét việc đưa 66 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP của tỉnh.
Nguồn tin: baoquangning.com.vn