Đẩy mạnh xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều sự kiện xúc tiến thương mại (XTTM) bị hạn chế. Các doanh nghiệp OCOP vừa và nhỏ lao đao, gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ, sản xuất bị đình trệ, suy giảm. Làm sao để giúp các doanh nghiệp hồi phục nhanh, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả trong tình hình mới, là vấn đề không hề đơn giản.

Theo khảo sát, từ năm 2021, dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế – xã hội, các hoạt động XTTM sản phẩm OCOP gặp trở ngại. Bước sang quý I năm nay, dù thị trường đã ấm dần, có nhiều chuyển động tích cực trong các lĩnh vực du lịch và kinh tế – xã hội khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp OCOP, các hoạt động hội chợ vẫn… nằm im.

“Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, các sự kiện, hội chợ… giúp các đơn vị, doanh nghiệp OCOP hồi phục. Đặc biệt sẽ tập trung gắn các hoạt động với sự kiện của tỉnh, sự hồi phục của ngành du lịch. Trong đó, chúng tôi phải lựa chọn, tập trung trọng điểm vào những hoạt động, sự kiện đưa lại hiệu quả kinh tế, xúc tiến tốt nhất để đưa lại doanh thu, giúp “sức khỏe” doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục” – ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công Thương), chia sẻ.

à
Ngoài thị trường nội tỉnh, các hoạt động XTTM gắn với các thị trường có sức tiêu thụ lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… (Ảnh: Gian hàng Quảng Ninh tại Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu Quảng Ninh, tháng 12/2021, tại Hà Nội)

Xác định mục tiêu trên, từ quý II, các hoạt động XTTM với các sự kiện, hội chợ nội tỉnh sẽ được quan tâm tổ chức trước tiên. Gần nhất là Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2022 (từ 28/4-3/5) tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, với quy mô gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp OCOP trong và ngoài tỉnh.

Với quy mô lớn và khả năng tiêu thụ cao, đây là cơ hội để các doanh nghiệp OCOP tỉnh giới thiệu và tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm sau thời gian đình trệ. Đáng chú ý, trong sự kiện này sẽ có các gian hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt do Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công Thương) và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức.

Ngay sau đó là các hoạt động bám sát sự kiện của tỉnh như: Tổ chức các gian hàng OCOP phục vụ SEA Games 31 đẩy mạnh quảng bá điểm đến, dự kiến sẽ tổ chức ở một số điểm tổ chức môn thể thao SEA Games như: Cẩm Phả, Tuần Châu… chú trọng các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt.

Với khả năng tiêu thụ, hiệu quả đưa lại, các hoạt động nội tỉnh tiếp tục được trọng tâm bằng các sự kiện Tuần OCOP tại khu du lịch, các thành phố đông dân thu hút khách như: Khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả với khoảng 4-5 sự kiện, quy mô 30-40 gian hàng/sự kiện. Có thể thấy, với các hoạt động sôi động trong quý II này sẽ là giải pháp hiệu quả khôi phục lại thị trường nội địa, kích cầu, tiếp sức cho các doanh nghiệp.

Ngoài kênh xúc tiến tiêu thụ nội tỉnh, xúc tiến tiêu thụ ngoại tỉnh cũng được hết sức quan tâm. Theo đó, trong quý II, dự kiến Quảng Ninh sẽ tham gia Hội nghị kết nối giao thương với các Đại sứ quán các nước tại Hà Nội; tham gia kết nối OCOP và sản phẩm địa phương các khu vực phía Bắc tại Hà Nội; tham gia các sự kiện hội chợ gắn với du lịch ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Đồng thời, XTTM cũng luôn trọng tâm vào các thị trường quen thuộc, sức tiêu thụ tốt. Vì thế dự kiến sẽ tổ chức một số hội chợ ở các thị trường Hà Đông (Hà Nội) bởi có khả năng phát triển thêm các đầu mối, đại lý tiêu thụ, cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP sau sự kiện.

Với dư địa, hiệu quả của các chương trình hàng Việt do Bộ Công Thương hỗ trợ năm 2021, năm 2022 các chương trình tương tự mang chủ đề về vùng hải đảo, miền núi sẽ được tiếp nối. Với doanh thu hiệu quả đạt từ 600-800 triệu đồng/3-4 ngày ở các sự kiện năm 2021, dự kiến năm nay sẽ tổ chức các phiên chợ ở Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu… Điểm khác biệt là năm 2022, Bộ sẽ giao về cho địa phương phụ trách, chịu trách nhiệm về kinh phí.

faf
Các hoạt động XTTM, tiêu thụ hướng tới tính hiệu quả cao giúp các doanh nghiệp OCOP nhanh chóng phục hồi trong tình hình mới. (Ảnh: Sản xuất sản phẩm dấm hoa quả tại HTX sản xuất nước mắm Nam Hải, TP Uông Bí)

Sau khi ổn định thị trường, tăng sức khỏe cho các doanh nghiệp, các hoạt động XTTM, tiêu thụ cũng tính tới các thị trường xuất khẩu với tiêu chí hiệu quả cao nhất. Dù vẫn đánh giá cao việc kết nối xuất khẩu với các thị trường Đông Bắc Á nhưng do yêu cầu cao khiến hàng Việt, sản phẩm OCOP khó đáp ứng tiêu chuẩn, nên cần tập trung vào việc kết nối với các thị trường kề cận, có tiêu chuẩn tương đương và khả năng tiêu thụ lớn. 

Vì thế, khi tình hình dịch bệnh dần ổn định, dự kiến sẽ có các cuộc xúc tiến, kết nối với thị trường láng giềng, như: Trung Quốc, Campuchia, Lào. Trong đó, tìm kiếm thị trường tại Đông Hưng (Trung Quốc), kết nối thị trường ASEAN với Lào, Campuchia… qua các hội chợ thương mại, bởi đây là kênh tiêu thụ lớn, quan trọng mà các sản phẩm OCOP, nông sản không gặp khó.

Đồng thời với đó, được biết còn có nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ như: Phát triển các mạng lưới trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng hiện đại; triển khai thực hiện hiệu quả các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành trong hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; mở rộng các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong cả nước. 

Hà Phong