Để phát huy thương hiệu hàu sữa Ngọc Vừng

Được thiên nhiên ưu đãi diện tích mặt biển rộng, môi trường nước trong sạch, phù hợp, nuôi hàu sữa đã trở thành một thế mạnh, nguồn thu quan trọng trong nuôi nhuyễn thể ở Ngọc Vừng (Vân Đồn). Thương hiệu hàu Ngọc Vừng dần khẳng định và được người tiêu dùng yêu thích.

Nhắc tới hàu sữa hay hàu Thái Bình Dương ở Vân Đồn người ta thường nhắc tới các vựa nuôi hàu ở Đông Xá hay Bản Sen. Dù quy mô không lớn, nhưng hàu sữa Ngọc Vừng mới thực sự là món ăn được các thực khách sành ăn ưa thích, thương lái thu mua hết ngay khi thu hoạch. Hiện xã đang chú trọng phát triển loại hình nuôi trồng này.

Ông Vũ Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng chia sẻ: Ngọc Vừng được thiên nhiên ưu ái về điều kiện khí hậu, môi trường rất phù hợp cho nuôi nhuyễn thể, đặc biệt là hàu sữa. Dù du nhập sau so với nhiều nơi, nhưng hàu sữa nuôi ở Ngọc Vừng đã sớm khẳng định chất lượng, thương hiệu của một đặc sản có tiếng.

Hàu sữa Ngọc Vừng.

Hàu sữa bắt đầu được giới thiệu và đưa vào nuôi ở Ngọc Vừng vào đầu năm 2018 tại khu vực đảo Giàn Mướp. Số lượng nuôi thí điểm ban đầu chỉ khoảng 2ha, ở 100 bè với 3 hộ nuôi. Hàu sữa bắt đầu cho thấy sự phù hợp với môi trường, nguồn nước, độ mặn và các điều kiện khí hậu ở vùng nước quanh đảo Ngọc Vừng.

Theo các lão ngư dân dày kinh nghiệm gắn bó với xã đảo Ngọc Vừng thì nguồn nước khơi trong, sạch, độ mặn vừa phải, nguồn thức ăn phong phú đặc biệt là phù du, rong, tảo biển… chính là “bí quyết”. Đặc biệt, môi trường nước ở Ngọc Vừng là sự giao thoa của các dòng nước ở Bái Tử Long khu vực Cẩm Phả và biển Ngọc Vừng hoà lẫn nhau, tạo ra môi trường lý tưởng cho vật nuôi, nguồn thức ăn phong phú để giống nhuyễn thể phát triển tốt.

Với nhiều năm kinh nghiệm bám biển, nuôi trồng, người dân Ngọc Vừng rất tuân thủ các quy trình nuôi, bảo vệ môi trường tốt để nuôi trồng lâu bền. Anh Đinh Văn Toàn (thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng) một trong những người tiên phong nuôi hàu ở khu Giàn Mướp, chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên cập nhật kỹ thuật nuôi, tìm nguồn giống tốt, sử dụng các giá thể thân thiện môi trường… Đặc biệt chúng tôi tuân thủ quy tắc nuôi trồng, đảm bảo khoảng cách không nuôi quá dày, nguồn thức ăn đủ cho hàu.

Chính vì vậy, hàu sữa Ngọc Vừng thường lớn nhanh, thơm ngon. Thời gian thu hoạch cũng được rút ngắn đáng kể. Thông thường 9 – 10 tháng nuôi mới được thu hoạch, nhiều vụ ở Ngọc Vừng nuôi chỉ khoảng 7 – 8 tháng đã cho thu hoạch. Điểm đặc trưng của hàu sữa Ngọc Vừng là béo, ngọt thịt, không có vị chát, sạch ruột khi bổ ra, phần riềm không bị đen, bẩn. Với những đặc trưng đó, hàu sữa khi đến vụ thu hoạch liên tục được thương lái đến thu mua hết tại bè. Hiện giá bán mỗi kilogam hàu tại bè khoảng 8.000 đồng.

Thu hoạch hàu sữa tại bè hộ gia đình anh Đinh Văn Toàn ở khu vực Giàn Mướp.

Với lợi thế đó, hàu sữa đang dần nhân rộng, phát huy thế mạnh. So với thời gian đầu, nay sản lượng hàu của Ngọc Vừng đã đạt từ 300 – 400 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018. Số hộ nuôi cũng tăng gấp 3 lên tới 9 – 10 hộ, với khoảng 30ha nuôi trồng. Khu vực nuôi trồng đang dần được lan ra khu vực Hòn Thoi, Vạn Cảnh… Thu nhập từ nuôi hàu của bà con cũng tăng dần theo năm.

Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện việc nuôi hàu sữa ở Ngọc Vừng đang bị chững lại. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, thị trường tiêu thụ thu hẹp, giảm giá thì người dân đang ngóng quy hoạch mặt biển, diện tích nuôi trồng. Bởi diện tích mặt nước của Ngọc Vừng đang nằm trong khu vực quy hoạch của Khu kinh tế Vân Đồn.

Diện tích quy hoạch nuôi trồng của Ngọc Vừng chỉ có khoảng 100ha, chủ yếu là khu vực mặt nước, bãi triều ven chân các ghềnh bãi triều. Nhưng thực tế nhiều khu vực, bè nuôi trồng đã nuôi vượt qua khu vực quy hoạch, hoặc mạo hiểm nuôi ở những khu vực không có các vụng chắn gió dễ bị ảnh hưởng.

Hàu Ngọc Vừng đầy, ngọt, sạch và không có vị chát.

Ông Vũ Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng cho biết: Để quản lý tốt và phát huy thế mạnh nuôi trồng loại nhuyễn thể này, địa phương sẽ có ý kiến đề xuất xin mở rộng ở những khu vực nuôi trồng hợp lý, thuận tiện để người dân có khu vực nuôi trồng an toàn.

Hiện chưa giao mặt nước nên diện tích nuôi không lớn, người dân cũng gặp khó về địa điểm nuôi và không dám mạo hiểm đầu tư mở rộng. Đồng thời với đó, xã cũng định hướng và mong muốn có nhiều hộ hoặc doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm gia tăng liên quan tới đặc sản hàu Ngọc Vừng, để phát huy tốt hơn thương hiệu này.

Tác giả: Tạ Quân

Theo: Báo Quảng Ninh