Với lợi thế từ diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn, nuôi ong lấy mật đang là một trong những nghề giúp người dân Bình Liêu thoát nghèo. Mật ong rừng Bình Liêu là loại mật ong tinh khiết, được ong thợ tạo ra sau khi thu thập phấn từ các loại hoa trên rừng và là sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ong nuôi lấy mật của thành viên HTX Hợp Tiến (huyện Bình Liêu).
Mật ong Bình Liêu hiện được khai thác từ hai nguồn là từ ong tự nhiên và từ ong nuôi tại thôn, khe, bản. Về chất lượng của hai loại mật này tương đương nhau, bởi ong trên rừng và ong nuôi tại các hộ dân đều lấy nguồn thức ăn từ rừng tự nhiên. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu có khoảng 2.900 tổ ong, hằng năm cho sản lượng trên 13.000 lít mật. “Mật ong rừng Bình Liêu hoàn toàn tự nhiên, bởi vì người nuôi chỉ làm tổ cho ong, còn con ong tự đi kiếm mật từ các loài hoa tự nhiên trong rừng. Gia đình tôi hiện nuôi gần 100 tổ ong. Mật ong của chúng tôi tiêu thụ rất tốt, được khách hàng ưa chuộng khi đưa đến tham gia các gian hàng OCOP hằng năm của tỉnh” – Anh Lương Quý Kim, hộ nuôi ong ở thị trấn Bình Liêu, chia sẻ.
HTX Hợp Tiến là đơn vị nuôi ong lấy mật lớn nhất trên địa bàn huyện với hơn 700 tổ của 8 xã viên. Hiện đơn vị đã đăng ký sản phẩm OCOP “Mật ong rừng Bình Liêu”. Nhiều năm nay, HTX đã cung cấp ra thị trường hàng nghìn lít mật với chất lượng hảo hạng, được khách hàng ghi nhận và đánh giá rất cao. Theo anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Hợp Tiến, tất cả các sản phẩm của HTX được sản xuất khép kín từ khâu khai thác thu mua nguyên liệu, đến chế biến, đóng gói bao bì, chai lọ, nhãn mác. Sản phẩm của HTX đều được in logo với thương hiệu “Mật ong rừng Bình Liêu” nhằm đảm bảo chất lượng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Sau một thời gian ngắn, các sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường. Thậm chí có năm sản phẩm mật ong sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Mật ong rừng Bình Liêu hoàn toàn tự nhiên vì người nuôi chỉ làm tổ cho ong, còn con ong tự đi kiếm mật từ các loài hoa tự nhiên trong rừng.
Những năm gần đây, huyện Bình Liêu đã chú trọng việc bảo tồn những khu rừng nguyên sinh và phát triển các rừng trồng cây lâu năm, nhằm tạo nguồn hoa dồi dào, giúp đàn ong phát triển tốt và nâng cao chất lượng mật. Toàn huyện hiện có hơn 5.000ha rừng trồng các loại cây lâu năm như hồi, sở, quế, trám, thông… Hoa từ các loại cây này là nguồn thức ăn lý tưởng cho đàn ong phát triển.
Mật ong rừng Bình Liêu là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhờ tham gia chương trình OCOP, mật ong rừng Bình Liêu đã được xúc tiến thương mại tại các hội chợ OCOP của tỉnh, huyện Bình Liêu và có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn toàn tỉnh với giá bán trung bình 250.000 đồng/chai 500ml và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm mật ong rừng Bình Liêu. Trong đó, tập trung mở rộng vùng nguyên liệu mật ong. Đặc biệt là xác định lại vùng nuôi ong để lấy mật đạt chất lượng tốt nhất. Đồng thời, hoàn thiện lại quy trình chế biến mật ong; đa dạng hóa về mẫu mã, bao bì, trọng lượng sản phẩm, giúp tiện lợi hơn cho người tiêu dùng.
Tác giả : Trúc Linh
Nguồn: Báo Quảng Ninh