“Làn gió mới” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thì vai trò của KH&CN ngày càng quan trọng. Xác định được điều đó, những năm qua tỉnh đã có nhiều quyết sách, chương trình hành động về KH&CN trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đã đạt những thành tựu đáng khích lệ trong phát triển kinh tế – xã hội.

Thời gian qua, hoạt động KH&CN của tỉnh có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực, góp phần vào công cuộc giảm nghèo cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Gốm Quang Vinh thành công với công nghệ gốm mỏng.
Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh thành công với công nghệ gốm mỏng.

Đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp

Nhằm cải thiện, nâng cao đời sống, tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để người nông dân tiếp cận với nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nông sản hàng hóa của nông dân. Tỉnh đã đầu tư, ứng dụng công nghệ để xây dựng, phát triển sản phẩm thương hiệu đặc sản của tỉnh như phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao Hoành Bồ, rau an toàn Quảng Yên, miếng dong Bình Liêu, gà Tiên Yên; nâng cao chất lượng, kiểu dáng các sản phẩm OCOP… Đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu là Tập đoàn Việt Úc đầu tư nuôi tôm năng suất 100 – 300 tấn/ha tại Đầm Hà…

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào sản xuất giống, thử nghiệm nuôi, trồng các giống cây, con có giá trị kinh tế, như ngán, ngao giá, sá sùng… Đồng thời bảo tồn các giống vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh như gà Bang Trới, gà Râu Hải Hà, ba kích tím, trà hoa vàng Ba Chẽ, nấm Thượng Hoàng… Nhằm bảo tồn giống gà Râu, huyện Hải Hà đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gà Râu Hải Hà”, từ tháng 9/2017. Đơn vị tiếp nhận chuyển giao công nghệ là hộ anh Hoàng Văn Điện, thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà. Theo đó, huyện đã hỗ trợ gia đình anh Điện gần 500 con gà giống bố mẹ; máy ấp, nở trứng và một số thiết bị khác. Anh chia sẻ: Trước đây khi chưa ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gà Râu thì tỷ lệ trứng nở thấp. Từ khi tham gia dự án, gia đình tôi đã được đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giống gà Râu, do đó tỷ lệ trứng nở đạt 89%, tỉ lệ nuôi sống 21 ngày tuổi đạt 91%. Năm 2018, khi đã có sản phẩm ổn định, huyện hỗ trợ thêm về tem, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm gà Râu để giúp hoàn thiện trở thành sản phẩm OCOP của huyện.

Huyện Hải Hà và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Ninh kiểm tra trại giống Gà Râu của gia đình anh Hoàng Văn Điện. Ảnh: Thanh Trường (Trung tâm TT&VH huyện Hải Hà
Anh Hoàng Văn Điện (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu đàn gà Râu tại trang trại của gia đình. Ảnh: Thanh Trường (Trung tâm TT-VH Hải Hà)

Không chỉ áp dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, mà các hoạt động hỗ trợ ứng dụng chuyển giao KH&CN tại các doanh nghiệp được triển khai thực hiện đã tạo ra “làn gió mới” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm qua, ngành KH&CN đã giới thiệu, cung cấp nhiều thông tin về chính sách có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như: Sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa, chuyển giao công nghệ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; hướng dẫn xây dựng Quỹ Phát triển KH&CN; xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN…

Sở KH&CN cũng tích cực phối hợp tổ chức các cuộc làm việc với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN để hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đăng ký tham gia thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, như: Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp”; “Nghiên cứu đầu tư nâng cấp làm chủ dây chuyền công nghệ, thiết kế sản xuất hộp bộ máy biến áp phòng nổ công suất đến 1250 kvA, sử dụng trong khai thác hầm lò và các công trình ngầm”…

Tăng cường tiềm lực KH&CN

Đầu tư cho CNTT là một trong những
Quảng Ninh tiếp tục quan tâm đến đầu tư cho công nghệ thông tin. Trong ảnh: Người dân xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả, tra cứu thông tin tại UBND xã.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của KH&CN trong thời gian qua đã đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong giai đoạn tới, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Quảng Ninh đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/3/2017 về phát triển KH&CN đến năm 2020.

Theo đó, từ năm 2017 – 2018, tỉnh bố trí 454 tỷ đồng cho phát triển KH&CN, trong đó 80 tỷ từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN; 374 tỷ từ nguồn vốn đầu tư cho KH&CN và công nghệ thông tin, chiếm tỷ lệ từ 1,71 – 2,42% tổng chi thường xuyên ngân sách. Cùng với đó, 12/14 địa phương đã bố trí 16,7 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề KH&CN. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư kinh phí để triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển KH&CN. Đặc biệt ở ngành Than, trong năm 2017, tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN gần 30 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm áp dụng cho các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh là 19,87 tỷ đồng, chiếm 68% tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển KH&CN.

Có thể khẳng định, hoạt động KH&CN được triển khai đúng hướng, có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, hướng đến lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu KH&CN với doanh nghiệp.