Đông Triều: Hỗ trợ phát triển thị trường cho nông sản địa phương

Là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh, nên TX Đông Triều có số lượng lớn người dân tham gia làm nông nghiệp với sản lượng nông sản các loại sản xuất ra đạt hàng nghìn tấn/năm. Bởi vậy, việc hỗ trợ phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm luôn là khâu tiên quyết được địa phương quan tâm triển khai. Đông Triều cũng là địa phương đi đầu của Quảng Ninh trong thực hiện vấn đề này.

Người dân thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều, liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Sữa An Sinh.
Người dân thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều, liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Sữa An Sinh.


Từ năm 2012, Đông Triều chính thức đẩy mạnh việc “bắt tay” với các đơn vị để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Chương trình liên kết giữa thị xã với Công ty Orion Hàn Quốc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây Atlantic trên địa bàn có thể được coi là ví dụ điển hình. Từ 2 xã triển khai thí điểm ban đầu năm 2012 với diện tích trồng thử nghiệm 20ha, đến nay đã mở rộng trên 10 xã, tổng diện tích trên 218ha, sản lượng đạt trên 2.000 tấn. Mô hình liên kết tiêu thụ này ngày càng thể hiện  được tính ưu việt, hiệu quả bền vững khi làm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích với mức thu nhập bình quân từ 70-90 triệu đồng.

Hiện Bình Dương là địa phương có diện tích trồng khoai tây Atlantic lớn nhất toàn thị xã với trên 99ha. Sản lượng khoai bình quân đạt 1.000-1.200 tấn/năm. Ông Trịnh Xuân Dương, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Dương, cho biết: “Tham gia thực hiện mô hình, người dân không chỉ được hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, giá sản phẩm mà còn được hỗ trợ hoàn toàn việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Trong thời điểm thị trường biến động rớt giá, người dân cũng được cam kết thu mua với giá tối thiểu 6.500 đồng/kg để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Nhờ đó, người dân luôn yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Thực tế, nhiều hộ dân đã nâng cao được thu nhập, có đời sống ngày càng ổn định hơn”. 

TX Đông Triều phối hợp với Công ty Orion Hàn Quốc thực hiện chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ Khoai tây Atlantic từ năm 2012. Trong ảnh: Quỹ tài trợ Orion Hàn Quốc trao tặng 2 máy sản xuất nông nghiệp cho TX Đông Triều.
TX Đông Triều phối hợp với Công ty Orion Hàn Quốc thực hiện chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây Atlantic từ năm 2012. Trong ảnh: Quỹ tài trợ Orion Hàn Quốc trao tặng 2 máy sản xuất nông nghiệp cho TX Đông Triều. Ảnh: Trung tâm TT-VH Đông Triều

Sau 7 năm triển khai, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi khác ở Đông Triều cũng lần lượt ra đời, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao, như: Chuỗi liên kết  sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng tại xã Hồng Phong; chuỗi liên kết sản xuất giống lúa PC26 tại xã, phường: Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo; chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn v.v.. Trên địa bàn có không ít HTX nông nghiệp dần bắt tay tham gia liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi từ khâu xuống giống đến bao tiêu sản phẩm. Trong đó, có 3 HTX liên kết sản xuất, kinh doanh lúa; 1 HTX liên kết sản xuất, kinh doanh rau; 1 HTX liên kết sản xuất kinh doanh khoai tây… Số doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với HTX và nông dân là 8 với quy mô diện tích liên kết tới trên 183ha.

Bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, một trong những đơn vị mạnh trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở Đông Triều, cho biết: “Từ thành công mô hình liên kết quản lý chuỗi nếp cái hoa vàng với người dân Hồng Phong, Hưng Đạo, hiện HTX cũng đã liên kết với một số trang trại chăn nuôi, trồng trọt để thực hiện hỗ trợ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 500-600 tấn nông sản; phần lớn trong đó là nông sản thông qua mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Việc bắt tay giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp đã góp phần xây dựng được thương hiệu, giá trị cho sản phẩm; làm tăng giá trị sản xuất cho người nông dân”.

Từ lượng lớn các sản phẩm nông sản do người dân làm ra, TX Đông Triều còn chú trọng lựa chọn các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng cao đưa vào thực hiện hỗ trợ phát triển thị trường trong chương trình OCOP. Đến nay, thị xã có 18 sản phẩm mang tính đặc trưng của các địa phương của 14 tổ chức kinh tế tham gia; trong đó, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 sản phẩm tiêu chuẩn 4 sao, 10 sản phẩm tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm đã từng bước được củng cố, hoàn thiện về mẫu mã bao bì, nhãn mác; trình độ năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển cũng được nâng cao. Thông qua các đợt tham gia Hội chợ OCOP thường niên, các chương trình xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP của thị xã dần khẳng định được uy tín, chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường với mức tiêu thụ tốt, ổn định. Hiện thị xã hỗ trợ bố trí 4 điểm trưng bày quảng bá, bán các sản phẩm OCOP tại Trung tâm OCOP, Quảng Ninh GATE, HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh.

Với việc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thị trường cho nông sản địa phương cũng là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân đã góp phần lớn nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.

Ngô Dịu
Nguồn tin: baoquangninh.com