Điểm sáng An Sinh

Những năm gần đây, xã An Sinh (TX Đông Triều) có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Trong đó, An Sinh hiện là một trong những điển hình tiêu biểu của kinh tế nông nghiệp với các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương.

1ha trồng na dai của gia đình anh Nguyễn Tiến Bạn, thôn Đìa Sen, xã An Sinh mang lại thu nhập 500 triệu đồng/năm.
1ha trồng na dai mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Tiến Bạn, thôn Đìa Sen, xã An Sinh 500 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh, cho biết: Xuất phát điểm là xã thuần nông nên chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung trên cơ sở khai thác tiềm năng của địa phương. Xã đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang sản xuất đa canh. Đồng thời, phát huy thế mạnh vườn đồi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi kết hợp với tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xã đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án phát triển sản xuất, tích cực chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, tăng cường hướng dẫn khoa học kỹ thuật.

Nhằm nâng cao giá trị của cây na, năm 2018, xã đã triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất na dai theo hướng VietGAP trên diện tích 100ha với 162 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ tập huấn quy trình kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, kiểm soát bệnh trên cây, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép sổ nhật ký… theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, người dân còn được hướng dẫn kỹ thuật như ngắt lá, tỉa cành, bọc quả, nhất là “thụ phấn chủ động” để cho na gối. Qua đó, cây na có thể cho thu hoạch 2-3 vụ/năm thay vì 1 vụ/năm theo cách truyền thống. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, học tập các mô hình đã thành công.

Năm nay, người trồng na còn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Na dai Đông Triều”, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, túi bọc quả, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đến nay, xã đã hình thành vùng na dai VietGAP tập trung. Chị Nguyễn Thị Lừng, Chi hội trưởng Chi hội na dai thôn Đìa Sen, cho biết: Được sự hỗ trợ của thị xã và xã, thôn hiện đã có 50ha na dai của 72 hộ dân được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Mỗi 1ha trồng theo quy trình VietGAP thu hoạch được trên 10 tấn, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn với gần 70 triệu đồng so với 1ha trồng na dai theo phương thức truyền thống. Bên cạnh đó, người dân còn được thu hoạch thêm từ 1-2 vụ na gối, có giá bán ổn định, cao hơn na chính vụ từ 15.000-20.000 đồng/kg. Toàn bộ diện tích na dai trong thôn đều được thương lái đến tận vườn thu mua từ đầu đến cuối vụ.

Người dân xã An Sinh thu hoạch củ đậu.
Người dân xã An Sinh thu hoạch củ đậu.

Song song với đó, xã cũng tích cực dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, xã đã quy hoạch lại toàn bộ bờ lô, bờ vùng; vận động các hộ gần nhau phá bờ thành 1 thửa diện tích lớn; đầu tư gần 700 triệu đồng làm tuyến bờ lô, bờ vùng, mương nội đồng. Đến nay, xã đã có 3 cánh đồng mẫu lớn tại các thôn Đìa Mốc, Đìa Sen, Ba Xã có diện tích 14,3ha với 90 hộ dân tham gia sản xuất. Sau khi được hình thành, bà con nông dân đã đưa các giống lúa vào sản xuất cho năng suất cao, đạt 45-50 tạ/ha trong vụ mùa, 60-70 tạ/ha trong vụ chiêm.

Khai thác lợi thế địa phương, xã tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngoài trồng lúa chất lượng cao, na dai, xã cũng hỗ trợ người dân triển khai các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống người dân trong xã đã không ngừng được nâng cao với thu nhập ổn định đạt 240 triệu đồng/người/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, hoàn thành các tiêu chí của nông thôn mới kiểu mẫu.

Cao Quỳnh
Nguồn tin: baoquangninh.com