Đông Triều: Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Thực hiện Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 của HĐND tỉnh “Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020”, Đông Triều đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, huy động toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc.

QUY HOẠCH DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA, HỖ TRỢ SẢN XUẤT

Đông Triều quy hoạch vùng trồng lúa tập trung.
Đông Triều quy hoạch 37 vùng trồng lúa chất lượng cao.

Trên cơ sở Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND thị xã đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, trong đó nổi bật là công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa và hỗ trợ thuê đất.

Đông Triều đã quy hoạch và thực hiện vùng trồng trọt, trong đó 37/37 vùng lúa chất lượng cao, diện tích 1.490ha; 25/25 vùng nếp cái hoa vàng tập trung với diện tích 550ha; 3/3 vùng trồng vải tập trung với diện tích 601ha, đạt 100%; 7/7 vùng trồng na, với diện tích 775ha; đang thực hiện vùng trồng hoa tập trung tại xã Bình Khê với diện tích 30ha…

Đối với vùng chăn nuôi, đã quy hoạch và thực hiện 4/4 khu chăn nuôi theo hình thức trang trại ở 4 xã với tổng diện tích 66,4ha. Vùng thủy sản, thị xã đã quy hoạch 33 vùng, tiểu vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung tại 13 xã, phường với tổng diện tích 785,5ha, tập trung tại 4 xã. Đến nay, các vùng sản xuất tập trung đang sản xuất ổn định, thực hiện theo quy hoạch, sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

Sau quy hoạch, thị xã đã tập trung dồn điền, đổi thửa. Sau 2 năm dồn điền, đổi thửa (2017-2018), trên địa bàn thị xã đã có 11 xã, phường thực hiện phương án dồn điền, đổi thửa ngoài thực địa với tổng số 14 vùng. Tổng diện tích 361,1ha với 2.970 hộ. Tổng số thửa trước khi dồn đổi là 8.167 thửa, sau khi dồn đổi còn 3.433 thửa, giảm 4.734 thửa. Tiêu biểu như phường Hưng Đạo đã thực hiện đạt 100% kế hoạch với 155ha.

Ông Phạm Văn Phong, Phó trưởng Phòng Kinh tế, TX Đông Triều, cho biết: Việc thực hiện vùng sản xuất tập trung “Cánh đồng mẫu” đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa (vùng sản xuất tập trung với 100% giống lúa chất lượng cao); chủ động và tiết kiệm nước tưới, hạn chế sâu bệnh phát sinh; thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất, thu hoạch và giảm chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch. Năng suất lúa trung bình trong vùng sản xuất tập trung ước đạt 64,5 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năng suất trung bình (63,5 tạ/ha) của thị xã. Chi phí đầu tư vào sản xuất giảm khoảng 8,3 triệu đồng/ha.

Phường Hưng Đạo, TX Đông Triều thực hiện dồn điền đổi thửa trên 155 ha.
Phường Hưng Đạo, TX Đông Triều thực hiện dồn điền đổi thửa trên 155ha.

Cùng với đó, thị xã cũng hỗ trợ thuê đất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp thị xã. Qua đó, đã tạo điều kiện cho Công ty VinEco đang triển khai sản xuất trên diện tích 50,53ha; tạo việc làm ổn định cho 150-190 lao động của địa phương, với thu nhập bình quân 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm cung cấp cho thị trường từ 1.500 đến 1.800 tấn rau, củ, quả các loại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện để Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong thuê 13ha đất canh tác của người dân tại phường Xuân Sơn để sản xuất rau, củ, quả an toàn cung ứng tới các công ty, doanh nghiệp và trường học trên địa bàn thị xã…

THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND, đến nay nông nghiệp của thị xã tiếp tục phát triển với tốc độ khá, cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng, mùa vụ được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, cơ sở hạ tầng trong vùng sản xuất tập trung ngày càng được chỉnh trang cứng hóa. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 95%, khâu thu hoạch đạt trên 80%, tỷ lệ gieo cấy lúa chất lượng cao đạt trên 93%. Phát triển mở rộng thương hiệu sản phẩm, xây dựng thêm được 3 nhãn hiệu tập thể: Cam Canh, Vải thiều Đông Triều, Hoa cây cảnh Đông Triều. Thu nhập bình quân đạt 125 triệu đồng/ha/năm.

Dù đạt được nhiều kết quả, song theo đánh giá của thị xã, Đông Triều vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư của thị xã, tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung còn chậm. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn kém hiệu quả. Khả năng, năng lực tài chính của người sản xuất còn chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc tham gia các chương trình, dự án. Mặc dù cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã tương đối toàn diện, tuy nhiên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế…

Thực hiện Nghị quyết 45, Đông Triều đã mở rộng thêm vùng trồng cam.
Thực hiện Nghị quyết 45, Đông Triều đã mở rộng thêm vùng trồng cam.

Để khắc phục các vướng mắc trên, theo ông Phong, thị xã đang tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa; tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất, tiêu thụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các hợp tác xã, các nhà khoa học và người sản xuất để tổ chức sản xuất các sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung…

Bên cạnh đó, thị xã cũng đề nghị UBND tỉnh cân đối, đảm bảo kinh phí hỗ trợ để xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất hàng hóa tập trung được đồng bộ; bổ sung cơ chế hỗ trợ công tác dồn điền, đổi thửa với các vùng lúa có diện tích từ 5ha đến dưới 20ha…

Thanh Hằng
Nguồn tin: baoquangninh.com