Đông Triều xây dựng thương hiệu nông sản

Việc xây dựng thương hiệu nông sản giúp nâng cao giá bán, thu nhập, mở rộng thị trường cho người dân vùng sản xuất, đồng thời thu hút vốn đầu tư của xã hội phát triển sản xuất hàng hoá. Vì vậy, từ các nông sản đặc trưng, hiện Đông Triều đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm na dai, nếp cái hoa vàng và gốm sứ Đông Triều.

Na dai Đông Triều
Na dai Đông Triều là sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể của Đông Triều.

Hiện nay, na dai được sản xuất thành vùng tập trung chủ yếu trên địa bàn 3 xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt trên tổng diện tích hơn 1 nghìn ha. Giai đoạn này, thị xã đang chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các xã trồng na tổ chức khảo sát các diện tích na bị chết hay kém hiệu quả, hệ thống kênh mương tưới tiêu tại các điểm có khả năng nhân rộng và phát triển trồng na. Đồng thời tuyên truyền, thông báo rộng rãi về các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, thị xã cho người dân tham gia Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh na dai thực hiện mô hình dự án. Thị xã cũng tiến hành khảo sát, lập hồ sơ, dự toán đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nội đồng, kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất và mở rộng diện tích 80ha. Việc kiểm tra, nhắc nhở các hộ sản xuất na đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chấp hành nghiêm các quy định VSATTP được tiến hành thường xuyên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, hội viên về sở hữu trí tuệ và nghiệp vụ kinh doanh được quan tâm.

Tới đây, thị xã sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện dự án sản xuất vải thiều, na dai Đông Triều theo quy trình VietGAP, đảm bảo VSATTP vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, đặt hàng các viện nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ quả na, để nâng cao giá trị hàng hoá, tăng thu nhập.

Theo thống kê của địa phương, hiện nếp cái hoa vàng được trồng trên diện tích 662ha tập trung tại các xã, phường Hưng Đạo, Yên Đức, Hoàng Quế, Hồng Phong… Giai đoạn này, thị xã đang chỉ đạo vận động nhân dân nâng diện tích cấy giống nếp này lên trên 900ha. Hội Nếp cái hoa vàng hiện có 625 hộ tham gia, sản phẩm của hội viên đều áp dụng mẫu mã bao bì đã được bảo hộ; việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm được làm thường xuyên. Tới đây, thị xã định hướng mở rộng chuỗi nếp cái hoa vàng trên diện tích vùng sản xuất đã quy hoạch (700ha) trên toàn thị xã.

Cam Canh
Sản phẩm cam Canh hiện đang được thị xã xây dựng nhãn hiệu tập thể với quy hoạch vùng trồng có diện tích 60ha. Trong ảnh: Thu hoạch cam Canh tại gia đình ông Lê Thành Quang, thôn An Trại, xã Việt Dân.

Đông Triều còn có thế mạnh về sản xuất gốm sứ. Trên địa bàn hiện nay có 31 hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất gốm sứ truyền thống và gốm sứ mỹ nghệ, tập trung tại phường Đức Chính, Mạo Khê. Với điểm khác biệt là dòng gốm nặng lửa, có độ bền cao, các cơ sở sản xuất duy trì chủ yếu sản xuất các loại chậu hoa, chum ngâm rượu, tiêu thụ chủ yếu vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã ứng dụng KHCN, đầu tư máy móc thiết bị chuyển đổi mô hình sản xuất khác như khuôn mẫu, bát, đĩa và gốm sứ dân dụng siêu mỏng, vẽ sơn mài trên sản phẩm và đốt bằng lò ga, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Sản xuất gốm sứ của Đông Triều đã tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ và công nghệ sản xuất.

Cùng với việc duy trì và phát triển các thương hiệu trên, hiện thị xã đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm khác là cam Canh và vải thiều Đông Triều. Đến nay, thị xã đã có 19 sản phẩm của 13 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Các sản phẩm đã đạt kết quả cao từ 3 đến 5 sao tại các cuộc thi đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là Nếp cái hoa vàng và Gốm sứ Đông Triều. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm từng bước đã tạo được niềm tin, uy tín và thương hiệu với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.