Giữ “hồn” nón lá

Từ lâu, nón lá đã trở thành “người bạn” quen thuộc, gần gũi, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của người dân ở xã vùng cao Quảng An (huyện Đầm Hà). Với họ, chiếc nón lá không chỉ là vật dụng dùng để che mưa, che nắng hằng ngày mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm nón lá vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn…

Ông Chíu Dì Lồng (78 tuổi) đang truyền nghề đan nón cho các học viên.
Ông Chíu Dì Lồng (78 tuổi) đang truyền nghề đan nón cho các học viên.

Đến cơ sở đan nón lá ở thôn Màu Sán Cáu (xã Quảng An), chúng tôi thấy không khí ở đây thật rộn ràng, tất bật, ai nấy đều say sưa với công việc. Người thì chẻ lạt, người vót nan, người phơi lá… Chị Tằng Tài Múi, dân tộc Dao, hơn 20 năm gắn bó với nghề đan nón, chia sẻ: “Nghề đan nón lá ở Quảng An có từ rất lâu rồi. Ngày nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy làm nón lá, vừa để giữ nghề truyền thống, vừa để kiếm thêm thu nhập”.

Tận mắt chứng kiến làm nón lá mới thấy nghề này thực sự lắm công phu. Nón lá ở đây không giống dưới xuôi, cả về hình thức lẫn cách làm. Một chiếc nón lá hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi người đan nón phải kiên trì, tỉ mỉ trong từng nút đan. Mọi quy trình đều làm hoàn toàn thủ công. Để làm ra một chiếc nón lá hoàn chỉnh phải mất từ 2-3 ngày. Nguyên liệu đan nón bao gồm: Tre dùng, lá tre rừng, mây đan và dầu toa chống mối mọt. Tre dùng là loại tre ở địa phương, có đặc tính dẻo dai được dùng để làm vành nón. Nếu như ở dưới xuôi, “áo nón” thường là lá cọ thì ở đây dùng hoàn toàn bằng lá tre rừng. Sau khi hái từ trên rừng về (lá phải tươi và còn nguyên vẹn), lá được đem luộc qua nước nóng rồi phơi khô cho đến khi ngả màu bạc tạo độ cứng và dai nhất định. Điều này còn giúp chiếc nón có độ bền lâu, trời mưa không bị thấm nước và ẩm mốc. Để đan được một chiếc nón lá đẹp đòi hỏi người thợ đan nón phải khéo tay, cẩn thận chuốt từng nan tre, chọn từng chiếc lá. Bà Chíu Tài Múi, 56 tuổi, tâm sự: “Thôn Màu Sán Cáu có gần 200 nhân khẩu, nhưng người biết đan nón chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là người già, trẻ nhất cũng ngoài 40 tuổi”.

Nón lá Quảng An được bày bán tại Hội chợ OCOP Hạ Long-Quảng Ninh 2018.
Nón lá Quảng An được bày bán tại Hội chợ OCOP Hạ Long – Quảng Ninh 2018.

Hiện nay, dưới sức ép của nền kinh tế thị trường, những người làm nón truyền thống đều không khỏi lo lắng về khả năng phát triển của nghề. Hơn nữa, thu nhập từ nghề không cao, vì mỗi chiếc nón chỉ có giá từ 150.000-200.000 đồng. Trước thực trạng nghề làm nón ở Quảng An đang có nguy cơ bị mai một, xã Quảng An đã có kế hoạch khôi phục và phát triển nghề. Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An Phạm Tiến Cương cho biết: “Với mong muốn tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm nón lá Quảng An, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã đan nón và thống nhất đặt tên cho sản phẩm là “Nón Đại Hiệp”. Cách đây ít ngày, sản phẩm “Nón Đại Hiệp” đã được Sở KH&CN cấp chứng nhận. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để cấp thương hiệu độc quyền. Bên cạnh đó, xã đã huy động nguồn vốn xã hội hóa để trực tiếp mở các lớp truyền dạy đan nón lá cho các thế hệ trẻ ở địa phương. Hiện, đã mở được 2 lớp với hơn 40 học viên ở đủ mọi lứa tuổi”.

Được biết, tại Hội chợ OCOP Hạ Long – Quảng Ninh 2018, “Nón Đại Hiệp” được bày bán tại gian hàng OCOP huyện Đầm Hà, thu hút rất đông khách đến xem và mua. Ông Lỷ A Tài, chủ cơ sở đan nón lá của hợp tác xã, cho biết: “Chưa đầy 2 ngày bày bán tại hội chợ, “Nón Đại Hiệp” đã cháy hàng với hơn 100 chiếc được bán ra. Không chỉ có khách trong nước mua mà còn có rất nhiều khách nước ngoài đến mua và chụp ảnh lưu niệm”. Hy vọng rằng, khi nghề đan nón lá được khôi phục lại sẽ tạo tiền đề giúp người dân ở xã vùng cao Quảng An vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để nghề đan nón phát triển bền vững, Quảng An vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng huyện, tỉnh trong việc tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường đầu ra, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người làm nghề.