Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP

Thời gian qua, Hội Nông dân Quảng Ninh đã chủ động triển khai, phối hợp thực hiện, lồng ghép các hoạt động thiết thực, nhằm phát triển thương hiệu nông sản địa phương. Trong đó, tập trung quyết liệt vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đóng chai mật ong thành phẩm tại HTX Phát triển Xanh, huyện Bình Liêu.
Đóng chai mật ong thành phẩm tại HTX Phát triển xanh, huyện Bình Liêu.

Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng tổ, nhóm hợp tác, phát triển kinh tế tập thể. Tới nay, nhiều CLB ngành, nghề, tổ hợp tác đã được hình thành và đang phát triển hiệu quả, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trong 5 năm qua (2014-2019) Hội đã xây dựng, triển khai 34 chuyên đề Nông dân Quảng Ninh hội nhập và Trang Nông dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng; kiện toàn và duy trì hoạt động của 295 báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các cơ sở; xây dựng và phát hành 3.000 cuốn cẩm nang xây dựng nông thôn mới; tổ chức phối hợp 12 cuộc hội thảo, giới thiệu công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cho 1.650 hội viên nông dân; tập huấn kiến thức quản trị, maketing cho 40 HTX trên địa bàn tỉnh; thành lập và duy trì hoạt động 47 CLB ngành nghề, 39 tổ hợp tác, 73 HTX, 157 mô hình sản xuất…

Cùng với đó, với vai trò là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân, Hội đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

Đặc biệt, Hội luôn chú trọng tới công tác hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ KHKT, tiếp cận với những công nghệ mới trong phát triển sản xuất; phối hợp tích cực với các ngành, ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân, tổ chức phát triển Agriterra Hà Lan, CSA – Bỉ, thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho người dân, HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng các sản phẩm của địa phương. Hội Nông dân tỉnh cũng tích cực hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, với việc xây dựng thành công 5 nhãn hiệu tập thể, bao gồm: Vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí); nếp cái hoa vàng và na dai (Đông Triều); mía tím của các huyện Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ; tôm chân trắng, lợn Móng Cái.

Các sản phẩm OCOP địa phương được bày bán tại Tuần Xúc tiến
Các sản phẩm OCOP địa phương được bày bán tại Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh – Sun World Hạ Long 2019.

Tới nay, đã có 311.559 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, từ đó xuất hiện nhiều triệu phú nông dân, tạo việc làm cho hơn 18.000 lao động; tham gia ủng hộ, giúp đỡ 3.245 hội viên nghèo, khó khăn, với nhiều loại cây, con giống và thực hiện cho vay không lấy lãi 11,3 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất; trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ 1.908 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo; thực hiện hỗ trợ sản xuất, vay vốn cho hội viên nông dân triển khai thực hiện 42 dự án phát triển sản xuất thông qua các nguồn vốn với tổng số tiền 32,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản cho nhân dân, các cấp Hội Nông dân đã tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương tham gia vào các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương. Cùng với đó, Hội cũng chú trọng thực hiện công tác tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm.

Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương chủ động triển khai sâu rộng các mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu để tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác vận động, tổ chức, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm gia tăng giá trị nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: baoquangninh.com