Ban chỉ đạo OCOP tỉnh trong tháng 6 vừa qua đã tổ chức kiểm tra, rà soát sản phẩm OCOP đến hạn cấp lại sao sau 3 năm triển khai tổ chức cuộc thi đánh giá xếp hạng các sản phẩm. Quá trình kiểm tra đã phát hiện một số sản phẩm không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu sản phẩm, như: Trà hoa vàng Came Gold của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh; nước mắm sá sùng Cái Rồng của Công ty CP Thủy sản Cái Rồng… Ban chỉ đạo OCOP tỉnh đã đề nghị tạm dừng cấp lại chứng nhận để xem xét nhãn hiệu đối với 2 sản phẩm này.
Theo ông Đinh Bá Trinh, Trưởng Phòng nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu là cơ sở pháp lý cho việc xác định chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, thương hiệu khi có bất kỳ một sự cạnh tranh nào. Tháng 6 vừa qua, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh đã tiến hành kiểm tra 27 sản phẩm, tương ứng với 100% sản phẩm phải đăng ký cấp lại sao của 22 đơn vị sản xuất tại 10 địa phương. Qua kiểm tra, đã có 14 sản phẩm được cấp lại sao, 2 sản phẩm phải xem xét nhãn hiệu và một số sản phẩm dừng cấp sao do không đủ tiêu chuẩn.
Đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP tại HTX Quang Vân (huyện Hoành Bồ). |
Theo đánh giá sau kiểm tra, mặc dù các sản phẩm thuộc chương trình OCOP đã có bao bì, tem nhãn, song hầu hết còn đơn giản, thiết kế chưa chuyên nghiệp, chất liệu của bao bì còn hạn chế. Nhiều tem nhãn chưa ghi đúng và đầy đủ các thông tin theo quy định, tên ghi trên nhãn sản phẩm khác với tên ghi trên hồ sơ đăng ký. Một số sản phẩm đặt tên chưa phù hợp với quy định, như hộ cá thể đặt tên sản phẩm lại gắn địa danh, gây khó khăn cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Theo thông tin từ Sở KH&CN, đến nay có trên 250/402 sản phẩm OCOP đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Một số địa phương, như huyện Đầm Hà có 11/28 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu; huyện Hoành Bồ có 20/29 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, xét về mặt số lượng, con số này vẫn chưa đủ đảm bảo để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường, nhất là ở lĩnh vực pháp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất thương hiệu, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong tương lai.
Từ năm 2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 273/QĐ-UBND về việc ban hành “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015”, với các mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu. Qua đó, nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh; hình thành những thương hiệu nông sản của tỉnh có năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán nhiều ở Siêu thị Big C Hạ Long. |
Thời gian qua, Sở KH&CN đã trực tiếp hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sở đã thực hiện 21 dự án thuộc chương trình xây dựng và phát triển thương hiện cho nông sản của tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ trên 41 tỷ đồng và 3 dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý do Bộ KH&CN hỗ trợ. Các dự án đã được thực hiện theo chuỗi gồm quy hoạch vùng, ứng dụng công nghệ xây dựng vùng nguyên liệu; xây dựng công cụ quản lý, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, thời gian tới, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh tiếp tục xác định danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh để làm căn cứ đề xuất, đăng ký bổ sung với Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, yêu cầu các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn