Hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững

Hội LHPN tỉnh đã và đang giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo trên địa bàn có cuộc sống ổn định thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả.

Mô hình trồng cam Vietgap của chị Lê Thị Bảy ,xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn.
Mô hình trồng cam VietGAP của chị Lê Thị Bảy (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi lợn nái, gà thương phẩm, vịt biển, bò, dê sinh sản; trồng cây khoai lang Nhật, mía tím, gấc, rau sạch, kim ngân, nấm rơm, ổi Hoành Bồ, trà hoa vàng; phát triển giống lúa chất lượng cao… là các mô hình kinh tế rất hiệu quả trong năm qua mà nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đang làm chủ.

Thông qua việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, hội phụ nữ các cấp tỉnh đã giúp hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tại các địa phương trong tỉnh, hội phụ nữ đã phối hợp với hội nông dân, phòng NN&PTNT, trung tâm khuyến nông để hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn lựa chọn thẩm định giống, tiêm vắc-xin con giống; hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt của các mô hình. Hiện phụ nữ toàn tỉnh có 319 mô hình phát triển kinh tế; trong đó có 197 mô hình tại khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Các phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng bằng việc giúp vốn không lấy lãi; hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm, ngày công, cây, con giống… tiếp tục được nhân rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Xác định được vai trò của tổ chức hội trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã  đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em nêu cao tinh thần chủ động, từng bước vượt khó, tích cực thử nghiệm các mô hình kinh tế mới. Phong trào ban đầu gặp không ít khó khăn do tư tưởng ngại thay đổi, ngại đầu tư và sợ thất bại của các hộ gia đình. Được sự động viên, khích lệ, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật từ các cấp hội, nhiều chị em đã mạnh dạn bỏ cây trồng, vật nuôi cũ, xây dựng mô hình mới, bước đầu gặt hái thành công. Trong đó các mô hình: Trồng cây dược liệu rành rành, mía tím, thanh long đỏ, ba kích, trà hoa vàng… tại huyện Ba Chẽ; trồng ổi, nấm linh chi tại TP Hạ Long; nuôi vịt biển, gà thương phẩm tại huyện Tiên Yên; cam Vân Đồn; củ cải Đầm Hà lợn Móng Cái…, là những sản phẩm OCOP có thương hiệu vươn xa trong và ngoài tỉnh.

Đa số hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà đều tham gia làm củ cải khô, một trong những sản phẩm OCOP của địa phương.
Đa số hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xã Quảng Sơn tham gia sản xuất sản phẩm OCOP củ cải khô Hải Hà.

Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của hội phụ nữ các cấp. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện chuyển giao KHKT, đưa nguồn vốn ưu đãi; đặc biệt là vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình kinh tế gắn với phát triển sản phẩm OCOP. 

Thành công từ các phong trào, mô hình kinh tế…, phụ nữ toàn tỉnh nói chung, phụ nữ nghèo nói riêng, đang phát huy nội lực trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương. Quan trọng hơn là tư duy đổi mới đã đi vào cuộc sống của hội viên phụ nữ.

Hoài Minh