Hồi sinh vùng cam Vạn Yên

Nhắc đến chị Lê Thị Bảy, 49 tuổi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 10/10 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), bà con trong thôn đều dành những tình cảm trìu mến. Họ gọi chị là “người làm hồi sinh vùng cam Vạn Yên”. Bởi nếu không có chị, vùng cam Vạn Yên có lẽ đã mai một, nhiều người sẽ từ bỏ cây cam bản địa để tìm một hướng phát triển kinh tế khác.

Cơ ngơi trị giá nhiều tỷ đồng của gia đình chị Lê Thị Bảy
Cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng của gia đình chị Lê Thị Bảy (thôn 10/10, xã Vạn Yên).

GIAN NAN LẬP NGHIỆP

Còn nhớ năm 2007, khi chúng tôi đến thôn 10/10, xã Vạn Yên, đúng dịp thu hoạch cam. Khi đó, do không biết cách đầu tư, chăm sóc, nên cây cam ra quả không ngọt, ít nước, hình thức xấu, không bán được. Cả thôn, người thì hái quả mang ra suối đổ, người thì chặt hạ những cây cam có tới hàng chục năm tuổi. Người dân trong thôn ngao ngán bảo, có lẽ họ sẽ phải bỏ nghề trồng cam mà theo nghề khác.

Cũng trong chuyến đi đó, chúng tôi lần đầu tiên gặp chị Lê Thị Bảy. Thời điểm đó, gia đình chị cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề, bỏ bao công sức, tiền của đầu tư, chăm sóc cho cây cam, nhưng cây ra trái kém chất lượng, mối buôn nào cũng chê. Hàng trăm triệu đồng đầu tư cho mô hình, bao công sức chăm bón đều “đổ sông, đổ bể”. Chị Bảy cho biết, vốn liếng làm lụng rồi vay mượn đổ cả vào 500 gốc cam, nay gần như mất trắng…

Hôm nay gặp lại chị Bảy, tôi được chị đón tiếp trong một cơ ngơi khang trang vừa được xây, trị giá gần 3 tỷ đồng. Chị là phụ nữ đầu tiên của thôn 10/10 mua được xe ô tô gần tỷ đồng. Duyên nghiệp với cây cam Vạn Yên gắn bó với gia đình chị đến nay tròn 21 năm. Nhắc lại chuyện “thất bát” năm nào, chị Bảy cười giòn tan: “Kể cũng lạ chú ạ, bao năm thăng trầm với cây cam, có thời điểm nợ nần ngập đầu cũng vì cam, vậy mà vợ chồng tôi vẫn không bỏ…”.

Chị Bảy kể, gia đình chị ở Nam Sách (Hải Dương). Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa, nhưng gia đình ít đất canh tác, nên quanh năm thiếu trước, hụt sau. Năm 1998, khi đứa con lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ 6 tháng, chị nghe người bà con đang làm lâm nghiệp ở huyện Vân Đồn rủ ra Vạn Yên làm thuê. Vậy là hai vợ chồng quyết chí đi lập nghiệp với hy vọng có cuộc sống ấm no hơn.

Lúc ra đi hăm hở là vậy, nhưng khi đến thôn 10/10, vợ chồng chị Bảy không khỏi “choáng” trước sự hoang vu, hẻo lánh của vùng đất này. Toàn thôn chỉ có mấy chục căn nhà lụp xụp, sống dựa vào nhau trong những thung lũng nhỏ, đường sá lầy lội; muốn mua được mớ rau, con cá phải đi xa hàng chục cây số…

Nhớ lại ngày đầu đến đây, chị Bảy vẫn còn bồi hồi: “Đêm đầu tiên đến đây, vợ chồng tôi ở nhờ trong một căn nhà tạm ven rừng. Tiếng côn trùng kêu rả rích, muỗi dĩn nhiều vô kể. Thỉnh thoảng lại có tiếng thú rừng đi ăn đêm đuổi nhau. Hai vợ chồng nản chí, định về lại quê hương. Nhưng đến hôm sau, khi nhìn thấy những cây cam trĩu quả, ăn vừa ngọt, vừa thơm, hai vợ chồng quyết chí ở lại gắn bó với vùng đất này và giống cam bản địa Vạn Yên”.

Chị Lê Thị Bảy theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây cam
Chị Lê Thị Bảy luôn theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây cam.

ĐẤT KHÔNG PHỤ CÔNG NGƯỜI

Câu chuyện của chị Bảy về việc hồi sinh vùng cam Vạn Yên thật cuốn hút chúng tôi. Chuyện là, thời điểm 2007, sau khi cả thôn phá hết vườn cam, nhiều nhà đã chuyển sang trồng cây lấy gỗ; riêng chị Bảy vẫn lưu luyến giữ lại vài cây ở cuối vườn. Đến mùa ra trái năm sau, cây lại cho trái ngọt lịm. Quyết tâm khôi phục lại nghề trồng cam cũng manh nha từ đây trong chị.

Thận trọng với lần thất bại trước, chị Bảy không trồng ồ ạt nữa, mà mỗi năm nhân giống thêm vài trăm cây. Chị đi một số tỉnh trồng cam chuyên canh, như Hòa Bình, Yên Bái… để học hỏi kỹ thuật, đồng thời mua tài liệu về nghiên cứu. Khi vườn nhà đã phủ kín cam, chị tiếp tục mua thêm của các hộ xung quanh để trồng. Đến nay, trang trại cam nhà chị Bảy đã lên tới 15ha. Từ người địa phương khác đến, tay trắng, ít học, nay chị Bảy đã trở thành chuyên gia trồng cam bản địa. Chị nhẩm tính với chúng tôi: “Riêng vụ này cam không được mùa, nhưng chất lượng lại rất tốt. Cả vườn chắc được khoảng 25-30 tấn, trừ các khoản chi phí cũng thu về gần tỷ đồng”.

Chị Lê Thị Bảy chia sẻ kinh nghiệm trồng cam với các hộ trong thôn
Chị Lê Thị Bảy chia sẻ kinh nghiệm trồng cam với các hộ trong thôn.

Khi diện tích, sản lượng ổn định, chị Bảy thành lập HTX Cam 10/10 do chị làm Chủ nhiệm với 12 thành viên. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị Bảy còn đau đáu một điều vì nhiều hộ trong thôn đã “đoạn tuyệt” với nghề trồng cam truyền thống, chuyển sang trồng cây lấy gỗ. Chị Bảy tâm sự: “Mỗi hộ chỉ có một vài ha, nếu trồng cây lấy gỗ thì chẳng bao giờ làm giàu được. Nhưng để vận động họ quay lại trồng cam cũng không dễ. Muốn họ làm theo thì mình phải chứng minh là mô hình phát triển tốt đã”.

Vậy là chị Bảy bèn tìm cách mua vườn của một số hộ với giá cao để trồng cam. Sau vài vụ thấy chị thu nhập cao lại ổn định, các hộ bắt đầu tính chuyện quay về với nghề này. Điều làm họ yên tâm hơn là chị Bảy đã đứng ra nhận đảm trách toàn bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc giúp, đến khi thu hoạch xong vụ cam thì chị mới lấy tiền công. Mỗi năm, từ việc này, chị Bảy cũng thu về vài trăm triệu đồng. Hiện tài sản của gia đình chị Bảy có trên chục tỷ đồng, là hộ giàu nhất thôn.

Bằng tâm huyết và trách nhiệm của chị Bảy, đến nay thôn 10/10 có trên 120ha trồng cam bản địa, 50/63 hộ trồng cam; so với trước năm 2007, diện tích trồng cam tăng gần gấp đôi. Từ trồng cam, thôn 10/10 hiện có hàng chục nông dân triệu phú.

Chị Lê Thị Bảy trình bày ý tưởng làm mô hình du lịch sinh thái với cán bộ xã Vạn Yên(Vân Đồn)
Vườn cam của chị Lê Thị Bảy đang được nghiên cứu, phát triển mô hình du lịch sinh thái.

Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, hơn 2 năm trước, chị Bảy được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 10/10. Trên cương vị “2 vai”, khát vọng để cam Vạn Yên phát triển ổn định, có thương hiệu trên thị trường tiếp tục thôi thúc chị. Khi có chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, nhận thấy đây là cơ hội tốt để cam Vạn Yên vươn xa, chị Bảy đã tích cực tham gia xây dựng mô hình HTX trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ được huyện hỗ trợ về bao bì, quảng bá thương hiệu, cam Vạn Yên đã trở thành sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chia tay chúng tôi, chị Bảy tâm sự: “Theo quy hoạch của huyện, Dự án Con đường di sản sẽ đi qua trung tâm thôn. Đây cũng là thời cơ mới để bà con làm giàu. Vì vậy, cùng với duy trì ổn định diện tích trồng cam, chúng tôi đang có ý tưởng hình thành mô hình du lịch sinh thái. Nếu làm tốt, đây sẽ là nguồn thu đáng kể cho bà con trong tương lai gần”.
Nguồn tin: baoquangninh.com