Thực hiện quy củ từ xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ công nghệ, khắc phục các “nút thắt”, nhược điểm tới quyền Sở hữu trí tuệ, tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm… là các kết quả nổi bật trong việc ứng dụng KHCN trong xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay.
Phát triển sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP luôn là định hướng, mục tiêu của chương trình. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu làm nền tảng để nâng cao chất lượng, nâng tầm sản phẩm luôn được ưu tiên. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hảo, Trưởng Phòng Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Các cơ quan chuyên môn luôn quan tâm, tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng coi đây là yếu tố quan trọng để cạnh tranh, phấn đấu nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm vươn xa.
Ứng dụng KHCN trong sản xuất nấm kim châm ở Công ty TNHH Long Hải (Đông Triều). |
Thực hiện chương trình Xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã bắt tay thực hiện từ khá sớm. Từ giai đoạn 2012-2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu đề xuất với UBND tỉnh xây dựng và thực hiện thành công 21 dự án với các sản phẩm nằm trong chương trình Xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, các dự án được triển khai toàn diện, đồng bộ từ vùng sản xuất tập trung (vùng nguyên liệu), xây dựng chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo quy trình tiên tiến, đảm bảo VSATTP… Đặc biệt, các đơn vị chuyên môn rất quan tâm tới việc xác lập quyền Sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, phát triển sản xuất, thị trường. Trong đó, nhiều sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP có tiếng, như: Vải chín sớm Phương Nam, Na dai Đông Triều, Chả mực Hạ Long, Nước mắm Cái Rồng, Mực ống Cô Tô… Sau giai đoạn triển khai thành công này, các sản phẩm, thương hiệu sản phẩm được bàn giao về cho địa phương quản lý, tiếp tục phát triển. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để triển khai xây dựng thương hiệu theo sản phẩm thế mạnh của mình. Sở cũng hướng dẫn xây dựng hồ sơ, xin phép sử dụng địa danh cho 30 sản phẩm, 210 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu của chương trình OCOP.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều công nghệ mới đã được tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP. Nhờ đó đã giải quyết được nhiều “nút thắt” trong công nghệ sản xuất, nâng tầm sản phẩm. Có thể thấy, tiêu biểu là công nghệ bảo quản bột dong riềng sạch trong sản xuất sản phẩm miến dong Bình Liêu. Thời gian thu hoạch củ dong riềng thường từ tháng 10 tới tháng 12 và phải đưa vào sản xuất sau đó, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng bột, gây khó khăn trong vấn đề nguyên liệu. Các giải pháp đã giúp việc bảo quản, đảm bảo chất lượng thành công trong vòng 12 tháng, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nghệ này đã được Công ty CP TM&DV Bình Liêu thực hiện và tiếp nhận kết quả. Tương tự, công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm và thụ tinh nhân tạo giống gà Tiên Yên được chuyển giao, tiếp nhận. Thành công đó giúp giải quyết vấn đề về con giống thuần chủng, chất lượng cho sản phẩm gà ở Tiên Yên.
Ngoài ra còn nhiều ứng dụng các nhiệm vụ, giải pháp KHCN giải quyết các “nút thắt”, nâng cao chất lượng, thương hiệu đối với các sản phẩm, như: Công nghệ trồng và chế biến 3 loại dược phẩm tại Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc giúp sản xuất các sản phẩm dược liệu từ giảo cổ lam, hoài sơn, mang về 7 sản phẩm OCOP cho TP Cẩm Phả; Giải quyết mùi hôi, tạo màu sắc trắng bắt mắt với củ cải Đầm Hà, tạo sản phẩm mới củ cải ăn liền cùng nhiều ứng dụng hữu ích, cùng với nhiều ứng dụng với cua biển Quảng Yên, tỏi tía Thái An, nấm kim châm Long Hải (Đông Triều)… Đây là các giải pháp ứng dụng KHCN được thực hiện rồi chuyển giao về cho địa phương, cơ sở ứng dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đẩy mạnh việc tư vấn, ứng dụng KHCN đối với sản phẩm OCOP. Sở thường xuyên làm việc với đơn vị, địa phương hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc… để nâng uy tín cho sản phẩm OCOP. Dựa trên nhu cầu, việc khảo sát và ứng dụng KHCN để phát triển các sản phẩm OCOP cũng được chú ý với các công trình nổi bật, như: Công nghệ sản xuất rượu khoai (Hải Hà), thâm canh na dai (Đông Triều), sản xuất cao Thiên Môn Yên Tử (Uông Bí); ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa lan ở Công ty CP Phát triển Agritech (Hoành Bồ); sản xuất rau quả bằng công nghệ của Israel tại Công ty CP Đầu tư Song Hành (Quảng Yên), Công ty CP Thương mại và Dịch vụ 188 (Đông Triều)…
Việc ứng dụng KHCN đã góp phần tạo nên thương hiệu, nâng cao chất lượng của sản phẩm OCOP, được thị trường nhìn nhận, đánh giá cao. Nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn cao cung cấp vào hệ thống tiêu thụ của Big C, Vinmart và xuất khẩu.
Nguồn tin. baoquangninh.com.vn