Khai thác hiệu quả giá trị cây cam Vạn Yên

Nằm cách trung tâm huyện Vân Đồn khoảng 10km, xã Vạn Yên có nhiều đồi và rừng. Với không khí trong lành, mát mẻ, cây cam đã trở thành sản phẩm chủ lực, được người dân địa phương này và các HTX không ngừng đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng.

Cam Vạn Yên được trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, cho trái ngon, mọng nước.
Cam Vạn Yên được trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, cho trái ngon, mọng nước.

Những năm qua, HTX Cam 10/10 đã xây dựng vùng trồng cam tập trung, nâng cao về số lượng lẫn chất lượng. Hiện HTX Cam 10/10 có 35ha (của 23 thành viên tham gia trồng), diện tích được thu hoạch là trên 30ha, sản lượng bình quân đạt 120 tấn/năm, tổng thu nhập HTX bình quân đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm. Theo bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10/10, cam Vạn Yên được người dân trồng, chăm sóc hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn tưới được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra, phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu, nên cam rất sạch và ngon, ngọt. Năm 2016, cam Vạn Yên được UBND tỉnh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Nhờ việc phát triển giống cam đặc thù của địa phương, các thành viên trong HTX đã có thu nhập ổn định từ trên 100-500 triệu đồng/năm, một số hộ cho thu nhập đến 1 tỷ đồng/năm. Qua đó, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Cam Vạn Yên có màu vàng ươm, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.
Cam Vạn Yên có màu vàng ươm, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Song song với phát triển số lượng cây cam, các thành viên HTX còn chú trọng việc xây dựng nâng cao chất lượng vườn cam, sản xuất cam theo hướng VietGAP, xây dựng cảnh quan vườn cam,… tạo cơ sở phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm. Trong 3 năm trở lại đây, nhất là vào thời điểm cam vào vụ thu hoạch, chủ vườn thường mở cửa đón du khách đến tham quan và mua cam tại vườn. Với hình thức du lịch sinh thái mới lạ, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh lưu niệm lý tưởng. Đặc biệt, khi tham quan vườn cam, du khách có thể tự tay hái quả để thưởng thức hoặc làm quà cho người thân và bạn bè. Lượng khách đến tham quan vườn cam ngày càng đông, ước đạt 1.500-2.000 lượt/năm. Hiện nay, nhiều chủ vườn đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ, ăn trưa, nướng đồ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương ngay tại vườn.

Du khách vui chơi, check in tại vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn).
Du khách vui chơi, check in tại vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn).

Hiện trên địa bàn xã Vạn Yên có trên 180ha cam. Xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, cam đã được địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm cam Vạn Yên đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Để tiếp tục phát triển thương hiệu cam Vạn Yên, hiện nay, huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng “Đề án phát triển cây trồng bản địa”, trong đó có phát triển thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên. Việc mở rộng, phát triển cây cam Vạn Yên góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, hướng đến quảng bá, tiêu thụ rộng khắp sản phẩm ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển trồng cam trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thời tiết thay đổi thất thường, giá cả vật tư hàng hóa phục vụ cho sản xuất tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao số lượng và chất lượng giống cam. Bên cạnh đó, năng suất hiện nay vẫn chưa đạt đến năng suất chuẩn của giống. Riêng vùng sản xuất cam Vạn Yên nằm trong vùng trọng điểm của khu kinh tế phía Đông đảo Cái Bầu có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp bởi các dự án, đi liền với đó là việc tái định cư, lao động, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp nông thôn…

Theo ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, để nâng cao giá trị sản xuất đối với cây cam, các đơn vị sản xuất, nông dân cần tiến hành canh tác rải vụ, trồng thêm các giống cây cam chín sớm, chín muộn để có thể thu hoạch kéo dài, tránh tập trung vào một vụ ngắn. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển, mở rộng diện tích được quy hoạch và phát triển theo hướng sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân; tập trung cải tạo khuôn viên vườn cam, kết hợp chỉnh trang (trồng thêm cây xanh, cây hoa, non bộ,…) tạo cảnh quan tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan du lịch, trải nghiệm.

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất cũng cần phát huy vai trò của các website, tuyên truyền sản phẩm cam Vân Đồn trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ, hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác, logo và đăng ký sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm; quan tâm việc quảng bá các hình ảnh đẹp trên các trang facebook, zalo thu hút sự quan tâm của khách du lịch… Đồng thời, chú trọng tổ chức lễ hội cam thu hút du khách nhằm quảng bá sản phẩm cam gắn với du lịch trải nghiệm. Để phát triển sinh kế lâu dài cũng như khai thác tối đa tiềm năng của cây cam, các đơn vị sản xuất và hộ trồng cần chủ động phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng tour, tuyến để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân và khách tham quan du lịch… Qua đó, cung cấp đa dạng các gói dịch vụ phục vụ khách du lịch có thể trải nghiệm dài ngày tại địa phương.

Hoàng Quỳnh