Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng và lĩnh vực. Từ đó, đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Đặc biệt, trong việc thực hiện chương trình tam nông, các HTX đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có mà tỉnh Quảng Ninh đề ra.
Lãnh đạo HTX Tuyền Hiền hướng dẫn xã viên kỹ thuật chăm sóc gà bản Đầm Hà. |
Năm 2003, HTX Dịch vụ nông nghiệp Việt Dân (TX Đông Triều) đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX. Khai thác lợi thế của mình, HTX không ngừng đa dạng các hoạt động cung ứng dịch vụ, trong đó chủ động cung ứng khoa học kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và hộ dân… Đồng thời, chú trọng đưa giống mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết, làm gia tăng lợi nhuận cho các thành viên, như: Trồng na dai VietGAP, bưởi Diễn thâm canh… Đặc biệt, thời gian qua, HTX đã phát huy vai trò tích cực trong việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên và hộ dân trên địa bàn, như: Khoai tây Atlantic, na dai Đông Triều, nếp cái hoa vàng… Nhờ đó, doanh thu hằng năm của HTX đạt gần 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Việt Dân, cho biết: Hiện HTX đang xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm làm điểm trưng bày, quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương bằng nguồn huy động của các thành viên. Trên cơ sở định hướng của tỉnh và thị xã, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng trở thành HTX kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng trồng nếp cái hoa vàng chất lượng cao, từ đó, làm tốt khâu dịch vụ cho bà con nông dân, gia tăng lợi ích cho thành viên, góp phần xây dựng NTM.
Sau khi làm chủ được công nghệ thụ tinh nhân tạo, tạo được ổn định trong việc cung ứng giống ra thị trường, với mong muốn phát triển sản xuất, năm 2016, anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) đã vận động, liên kết, hỗ trợ 6 hộ dân trong thôn thành lập HTX Tuyền Hiền chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm. Trong đó, HTX hỗ trợ các thành viên từ gà giống, quy trình chăm sóc, cho đến bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, HTX cũng chú trọng xây dựng thương hiệu gà bản Đầm Hà.
Tháng 6/2019, giống gà bản Đầm Hà của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Từ đó, giống gà của HTX không chỉ cung cấp cho Đầm Hà, mà còn mở rộng thị trường sang các địa phương trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường 60.000-70.000 con giống gà bản Đầm Hà và trên 100 tấn gà thương phẩm, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Từ 6 hộ tham gia, đến nay HTX đã có tới 80 thành viên, với hàng chục trang trại chăn nuôi với quy mô đàn từ 1.000-2.000 con.
Sản phẩm cam V2 của HTX Cam Vạn Yên (Vân Đồn) được tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo lợi nhuận cho xã viên. |
Xác định vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm phát triển HTX, từng bước thoát khỏi cơ chế quản lý cũ, hình thành mô hình HTX kiểu mới. Trong đó, hỗ trợ lãi suất tiền vay, thành lập quỹ ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng kế hoạch đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc tại HTX… Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các HTX, ngay từ những năm 2010, tỉnh đã bố trí ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ phát triển HTX. Tính đến nay, tổng nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ phát triển HTX là 20 tỷ đồng.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp HT Tràng An (xã Tràng An, TX Đông Triều), cho biết: HTX được thành lập đầu năm 2020, tuy nhiên, giống như đa số HTX khác, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về vốn. May mắn, chúng tôi được Liên minh HTX và Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh tạo điều kiện cho vay 800 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ phát triển HTX. Thời gian vay dài, vốn vay lớn, lãi suất thấp chính là “cứu cánh” cho HTX trong việc đầu tư đa dạng các loại hình, ứng dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo lợi ích cho các thành viên.
Những chuyển biến tích cực của kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH của địa phương, nhất là ở địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số HTX thành lập theo phong trào, năng lực quản lý yếu, phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả. Một số HTX chưa khẳng định rõ nét vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường, sự gắn kết lợi ích giữa HTX với các thành viên còn hạn chế, lợi ích kinh tế trực tiếp HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều… Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương cần có những giải pháp căn cơ, bài bản, hiệu quả hơn nữa, tạo động lực cho HTX phát triển, thực sự phát huy vai trò của mình trong việc tạo lợi ích cho thành viên, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Cao Quỳnh