Làm giàu trên vùng đất khó

Dám nghĩ, dám làm, ông Đặng Văn Cừ (50 tuổi), khu 1, phường Yên Hải, TX Quảng Yên, đã đầu tư mô hình nuôi tôm và cá trắm đen. Đây là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô lớn nhất (hơn 10ha) tại địa phương. Nhờ áp dụng mô hình kinh tế phù hợp và chịu khó mày mò, học hỏi, đến nay mô hình nuôi tôm và cá của gia đình ông Cừ cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.

22
Mô hình nuôi tôm của gia đình ông Đặng Văn Cừ, khu 1, phường Yên Hải, TX Quảng Yên.

Hơn chục năm trước đây, ông Đặng Văn Cừ đã đến vùng đất ven sông thuê lại hơn 10ha của địa phương bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng thủy sản. Lúc mới ra đây làm kinh tế, cả khu đầm giống như vùng đất mặn, đồng chua, cỏ dại mọc um tùm; vùng đất ven sông giáp cửa đê nguồn nước mặn lợ thường xuyên thay đổi theo mùa, nên việc lựa chọn ra mô hình phù hợp phát triển kinh tế rất khó. Thế nhưng, nhờ cần cù, chịu khó, ông Cừ đã biến vùng đất này trở thành lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản.

Những năm đầu, ông Cừ chủ yếu thả cá nuôi theo hình thức quảng canh, những vụ thu hoạch cá dù mang lại lợi nhuận, nhưng giá trị kinh tế không cao (lãi khoảng 100 triệu đồng/năm). Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, năm 2018 ông Cừ quyết định dốc vốn tiết kiệm, đầu tư chia đầm thành 4 ô (diện tích 4ha) chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Số diện tích còn lại (hơn 6ha) ông vẫn tiếp tục nuôi thả cá (chủ yếu cá trắm đen) bằng hình thức nuôi công nghiệp.

Theo ông Cừ, nếu biết cách nuôi, con tôm thẻ chân trắng sẽ mang lại lợi nhuận cao, bởi trong nghề nuôi tôm, quan trọng phải xử lý ao đáy tốt, nhất là khâu xử lý nước. Nguồn nước mặn được xử lý qua các ao lắng đạt kỹ thuật, độ mặn nhất định, trước khi bơm vào hồ nuôi tôm. Khi xuống giống tôm cần chú ý theo dõi thời tiết; phải đúng thời vụ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, nắm bắt nhu cầu thị trường. Nếu thời tiết thuận lợi, 1 năm có thể quay vòng nuôi được 3 vụ tôm.

22
Vụ xuân hè 2021 ông Đặng Văn Cừ thả nuôi hơn 180 vạn con tôm giống.

Còn đối với nuôi cá trắm đen, phải thường xuyên đảm bảo nguồn thức ăn cho cá. Giai đoạn khó nuôi nhất là lúc thả giống cá đạt trọng lượng từ 0,2-1,5kg, bởi giai đoạn này cá dễ mắc bệnh đường ruột. Phải theo dõi tỉ mỉ, kết hợp cho ăn với phòng bệnh cho cá. Nuôi cá bằng hình thức công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống, giúp cá phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh, cho năng suất cao. Thời gian thả nuôi đến lúc thu hoạch trong vòng 2 năm, trung bình cá đạt trọng lượng 5-6kg/con.

Tính riêng vụ hè thu năm 2020, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Cừ đã thu hoạch hơn 14 tấn; cá trắm đen sau 2 năm thu hoạch được sản lượng đạt 29 tấn. Trừ mọi chi phí sản xuất, mô hình nuôi tôm và cá cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Hiện ông Cừ đang tiếp tục thả nuôi hơn 180 vạn con tôm giống và gần 5 vạn cá trắm đen. Qua theo dõi, cá và tôm đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Bà Vũ Thị Mơ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Yên Hải, đánh giá: Ông Cừ là một trong những người đầu tiên phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô lớn. Thành công của mô hình nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã tạo bước ngoặt mới cho phát triển kinh tế biển trên địa bàn phường. Nhờ mạnh đạn đầu tư làm ăn, nên nhiều năm liền hộ ông Cừ là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, đồng thời là tấm gương sáng để các hội viên khác học tập kinh nghiệm.

Phạm Tăng