Tiếp tục thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” gắn với khâu đột phá “hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo”, những năm gần đây, tại thị xã Chơn Thành có nhiều mô hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp của hội viên phụ nữ đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, bền vững, truyền cảm hứng cho các chị em vươn lên làm giàu chính đáng. Một trong những gương điển hình là chị Trương Thị Thuy ở khu phố 2, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, khởi nghiệp với mô hình nuôi ong lấy mật, đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, lập gia đình và làm kinh tế riêng nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào việc cạo mủ cao su thuê, vì vậy cuộc sống của chị Thuy gặp rất nhiều khó khăn. Với ý chí, quyết tâm cùng sự năng động dám nghĩ, dám làm, năm 2015, chị Thuy đã đầu tư mua 100 thùng ong mật về nuôi. Nhờ cần cù, vợ chồng chị Thuy đi học hỏi kinh nghiệm nuôi ong ở nhiều nơi, lên các trang mạng để tìm hiểu thêm về kỹ thuật, nên mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình chị phát triển nhanh. Theo chị Thuy, nuôi ong phải am hiểu tập tính của nó, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật hoa gì… Hiện nay, gia đình chị Thuy đang nuôi, cho khai thác hơn 300 thùng ong mật. Trung bình mỗi năm gia đình thu khoảng 30 tấn mật ong, tạo việc làm thời vụ cho 7 lao động địa phương… Trừ các khoản chi phí, gia đình chị Thuy thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.
Chị Thuy chia sẻ: “Nghề nuôi ong không khó, nhưng phải đam mê với nghề và chăm sóc ong đúng cách. Muốn ong cho sản lượng mật cao, trong năm phải di dời đến những vùng có nhiều hoa như cà phê, tràm, nhãn… để mật đạt chất lượng, bán ra thị trường có giá cao. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tăng đàn lên 400-500 thùng ong để có thu nhập cao hơn”.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Thuy còn là hội viên nhiệt tình, sôi nổi trong các phong trào hội, đoàn thể ở địa phương; thường xuyên giúp đỡ, tặng quà người dân hoàn cảnh khó khăn. Chị Thuy được hội viên phụ nữ ở địa phương quý mến bởi sự hòa đồng, thân thiện, giỏi giang và là tấm gương điển hình về tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng.
Với mô hình nuôi ong lấy mật đang cho hiệu quả kinh tế cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Chơn Thành đã kết nối với chị Thuy để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các hội viên khác, những người yêu thích mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp thêm niềm tin, động lực giúp phụ nữ vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội.
Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình cho biết: “Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển rất mạnh ở các cơ sở hội. Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã đã hỗ trợ hàng trăm phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp bằng cách cho vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm… Nuôi ong lấy mật của chị Thuy là một trong những mô hình mang lại lợi ích kinh tế cao, đặc biệt là đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh. Đây là mô hình được chọn để chuẩn bị thi phong trào phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động”.