Chị Đinh Thị Thanh về làm dâu khu Cẩm Hồng (phường Phương Nam, TP Uông Bí) khi người dân nơi đây vẫn chủ yếu cấy lúa, nuôi lợn và khai thác hải sản. Vì vậy, chị cũng trải qua nhiều nghề trước khi tập trung đầu tư cho vườn vải 1.200 gốc của mình. Hiện vườn vải của gia đình chị cho sản lượng 4-5 tấn, doanh thu 300-400 triệu đồng/ha/năm.
Chị Thanh chia sẻ: Qua thực tế nhiều năm canh tác, tôi thấy ở Phương Nam không có loại cây trồng, vật nuôi nào cho hiệu quả kinh tế cao như cây vải. So với cây lúa trước đây, hiệu quả kinh tế của cây vải cao hơn 50 lần. Hiện nay, với việc canh tác vải áp dụng quy trình VietGAP hoặc theo hướng hữu cơ, quả vải chín sớm Phương Nam có cơ hội đến với các kênh phân phối uy tín nội địa, xuất khẩu, lợi nhuận kinh tế từ quả vải còn có thể cao hơn rất nhiều.
Nhận thấy rõ lợi thế của quả vải Phương Nam là thời gian chín sớm, người dân Phương Nam rất chịu khó chăm sóc, giám sát, điều chỉnh bổ sung kịp thời nhu cầu dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Theo chị Thanh, về trình độ canh tác cây vải, người dân Phương Nam đã đạt đến độ thành thục. Người trồng biết thời điểm quan trọng quyết định cây vải năm nay được mùa hay mất mùa, biết cây vải cần loại phân, thuốc gì, liều lượng bao nhiêu để kịp thời bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.
Từ khi toàn vùng vải Phương Nam trên 375ha đều áp dụng quy trình VietGAP, người dân tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly sau phun thuốc, tuyệt đối không thu hoạch khi chưa đủ thời gian quy định. Điều này khiến cho sản lượng, chất lượng quả vải chín sớm Phương Nam ổn định, đầu ra rộng mở, ngày càng nhiều thương lái đến đặt hàng, vận chuyển đi nhiều nơi trong nước, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chị Thanh cho biết: Áp dụng quy trình VietGAP trong canh tác cây vải là một bước tiến quan trọng của người dân Phương Nam. Từng có thời điểm, không ít hộ trồng vải, bằng nhiều cách ép cây ra sản lượng lớn, vượt quá sức tải của cây, thu hoạch sớm để bán với giá cao, khiến cho chất lượng quả vải không đảm bảo. Giờ không còn tình trạng đó. Người dân biết “buôn có bạn, bán có phường”, bảo nhau giãn cách thời gian thu hoạch, đảm bảo quả vải thu hoạch vào thời điểm chín, ngon, đẹp nhất. Vì vậy mà doanh thu, lợi nhuận quả vải chín sớm Phương Nam tăng lên.
Vụ vải vừa qua, so với năm trước, sản lượng quả vải của gia đình chị Thanh giảm khoảng 10%, cả phường Phương Nam giảm 20% (từ 2.500 tấn còn 2.000 tấn), nhưng doanh thu lại tăng 40%. Nguyên nhân do giá thu mua tăng: Giá bán trung bình toàn vụ là 26.000đồng/kg, thời điểm đầu mùa là 40.000-50.000 đồng/kg.
Hướng tới quả vải sạch, an toàn, tháng 7 vừa qua, gia đình chị Thanh cũng như nhiều hộ trồng vải Phương Nam đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) thí điểm triển khai mô hình mã hóa dữ liệu mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo hệ thống tiêu chuẩn OTAS. Trên cơ sở toàn bộ vùng vải chín sớm Phương Nam được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đơn vị chức năng sẽ rà soát, đánh giá lại và tổng hợp các thông số đã được cấp trước đây để cập nhật lên hệ thống phần mềm OTAS. Đây là phần mềm được các bạn hàng quốc tế sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chị Thanh nói: Các hộ trồng vải Phương Nam đều mong muốn được tham gia mô hình, sẵn sàng chung trách nhiệm với đơn vị chuyên môn, kể cả đóng góp thêm kinh phí. Bởi các hộ kỳ vọng thông qua việc này, vải chín sớm Phương Nam có cơ hội vươn xa hơn, có thể xuất khẩu nhiều thị trường, trước mắt là Nhật Bản, từ đó nâng cao hơn nữa giá trị quả vải chín sớm Phương Nam.