Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được đánh giá như “bà mối” góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh thị trường vừa hồi phục sau chừng 2 năm bị ngưng trệ do dịch, việc xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm đóng vai trò rất quan trọng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Quảng Ninh đã có trên 500 sản phẩm OCOP của 189 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Thời gian qua, chương trình OCOP Quảng Ninh đã xác lập được chỗ đứng, thương hiệu nhất định. Nhiều sản phẩm được ưa thích, vươn rộng ra tỉnh ngoài, phục vụ xuất khẩu.
“2 năm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung – cầu, sản xuất – tiêu thụ, đặc biệt là “sức khỏe” của các doanh nghiệp OCOP. Vì thế, tổ chức, lựa chọn các hoạt động xúc tiến đặc biệt có trọng điểm từ nay tới cuối năm, giúp kích thích thị trường nội địa, gắn với các xu thế, thị trường sôi động ngoại tỉnh là yếu tố then chốt, xúc tác mạnh mẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, phục hồi “sức khỏe” doanh nghiệp” – ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công Thương), chia sẻ.
Theo đó, sau khi du lịch và nhiều hoạt động kinh tế – xã hội đã và đang dần hồi phục, việc chiếm lĩnh thị trường nội địa được coi là có vị trí quan trọng. Để phát huy thế mạnh thương hiệu OCOP, thúc đẩy sức mua, các hoạt động xúc tiến, Hội chợ quy mô lớn nội tỉnh được coi trọng. Một trong số đó được các doanh nghiệp quan tâm nhất thời gian tới là Hội chợ OCOP dịp 2/9, gắn với du lịch, dịp nghỉ lễ. Dự kiến sẽ có trên 250 gian hàng với hàng nghìn sản phẩm OCOP trong tỉnh và các tỉnh, thành trong toàn quốc. Không chỉ hấp dẫn từ doanh thu, đây còn hứa hẹn là điểm kết nối cung – cầu, tìm kiếm đối tác sau một thời gian dài bị gián đoạn.
Tiếp nối sự kiện lớn này, để tăng cường thị trường, kích cầu thị trường nội tỉnh, đơn vị chức năng lên kế hoạch, tiếp tục tổ chức các sự kiện quy mô. Đó là Hội chợ OCOP ở TP Móng Cái, dự kiến sẽ tổ chức vào dịp tháng 11/2022 với quy mô khá lớn với khoảng 200 gian hàng, nhằm kết nối thị trường tiêu thụ Móng Cái và thị trường khu vực. Có thể nói, với các doanh nghiệp OCOP, đây là dịp đẩy mạnh sản xuất, “kênh” tạo doanh thu, tăng khả năng cung ứng sản phẩm, kết nối tiêu thụ nội tỉnh.
Không chỉ có các sự kiện lớn, thị trường nội tỉnh cũng liên tục được đổi mới, làm cho sôi động bằng các hoạt động quy mô nhỏ, mở rộng đối tượng khách hàng, thị trường; ưu tiên các địa phương vùng sâu, xa… Trong đó, từ nay cho tới cuối năm, các Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ được tổ chức đều đặn, tập trung các địa phương, đô thị lớn có nhu cầu tiêu dùng cao, nơi thu hút khách du lịch, như Cô Tô, Uông Bí, Cẩm Phả… Dự kiến, sẽ có khoảng 4-5 cuộc với quy mô trên 30 gian hàng/hoạt động.
Ngoài ra, xen kẽ là việc tổ chức các Tuần hàng Việt về khu vực miền núi như Ba Chẽ, Bình Liêu. Đây là hoạt động trước đó từng do Bộ Công Thương tổ chức, nay được giao về cho địa phương. Với quy mô 30-35 gian hàng/hoạt động, các loại hàng tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên. Đây vừa là kênh mới, có sức hút vừa cung cấp sản phẩm chất lượng, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy, mở rộng sức sản xuất cho các doanh nghiệp.
Với hoạt động xúc tiến ngoại tỉnh, các sự kiện được tổ chức, chiêu thương sẽ hướng tới thị trường trọng điểm truyền thống, có sức tiêu thụ lớn như: Đà Nẵng, Hà Nội… Đặc thù năm nay, sẽ ưu tiên tổ chức xúc tiến theo hướng chủ đề: Tuần OCOP, thủy sản…, theo cách làm mà các địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang… từng tổ chức rất thành công.
Gắn với du lịch, XTTM giai đoạn này không thể tách rời các sự kiện, hội chợ du lịch. Các hoạt động sẽ gắn với những địa phương sôi động trong các hoạt động, thị trường đang thu hút khách hoặc thị trường có tính đại diện vùng, đầu mối như: Thanh Hóa, Sơn La… Điểm đáng chú ý là ở các sự kiện này, các sản phẩm OCOP sẽ được chọn lựa kỹ, đạt tiêu chuẩn cao hoặc sẽ tổ chức trong liên kết với ngành du lịch.
Ngoài ra, để tiếp sức hiệu quả, doanh nghiệp OCOP cũng được mời, chiêu thương tham gia các hoạt động xúc tiến thường niên, các chương trình trọng điểm quốc gia của Bộ Công Thương hoặc quy mô lớn của các tỉnh, thành. Thông thường có chừng hơn chục đầu chương trình/năm, sẽ thông báo rộng hoặc lựa chọn sao cho phù hợp với các doanh nghiệp tham gia.