Hiện nay, phường Phương Nam (TP Uông Bí) có diện tích gần 400ha trồng vải chín sớm. Đây là một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh. Thời điểm này đang vào chính vụ, các hộ trồng vải tất bật thu hoạch, tiêu thụ, đặc biệt năm nay, vải chín sớm Phương Nam có nhiều hướng đi mới giúp người trồng vải nâng cao giá trị kinh tế…
Trên địa bàn phường Phương Nam hiện có hơn 1.500 hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm, tập trung tại các vùng quy hoạch: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà… Vải chín sớm Phương Nam được trồng cách đây hàng chục năm. Trước đây, hầu hết các hộ dân trồng theo hình thức tự phát, tư duy canh tác manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật chăm sóc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính dẫn tới tình trạng cây vải bị suy thoái. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ trồng vải chín sớm Phương Nam đã liên kết sản xuất trồng theo quy trình VietGAP, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng quả vải chín sớm.
Thời điểm thu hoạch vải chín sớm Phương Nam bắt đầu từ tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch hằng năm (thu hoạch sớm hơn các loại vải khác từ 20-30 ngày). Mọi năm do ảnh hưởng của Covid-19, việc tiêu thụ vải chậm, khó khăn hơn nhưng năm nay vào vụ thu hoạch nhiều thương lái đã đến tận vườn thu mua. Giá bán đầu vụ, dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg; thời điểm giữa vụ 18.000-20.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thành, hộ trồng gần 100 gốc vải chín sớm ở khu Bạch Đằng 1, phường Phương Nam phấn khởi cho biết: Năm nay, nhờ áp dụng các biện pháp trồng theo đúng quy trình VietGAP nên năng suất thu hoạch vải đạt cao hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, chất lượng quả chín đều, to hơn hẳn, ít sâu đục cuống. Dự kiến năm nay, sản lượng vải của gia đình thu hoạch đạt hơn 2 tấn, tăng 0,5 tấn so với năm 2021. Với gần 5 sào trồng vải, trừ mọi chi phí sản xuất gia đình tôi thu lãi gần 150 triệu đồng. Hy vọng từ nay đến cuối vụ, thương lái sẽ giữ giá thu mua ổn định để bà con yên tâm thu hoạch.
Được biết năm 2013, vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh. Năm 2017, TP Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP. Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm của khoảng 1.000 hộ tham gia, với tổng mức đầu tư hơn 15,9 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã cam kết thực hiện nghiêm túc chấp hành và áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.
Hằng năm, phường cũng thường xuyên tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam. Gần đây nhất, ngày 12/5/2022, phường Phương Nam đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm. Đây là lần thứ 6 phường tổ chức hội nghị, qua đó kêu gọi các tiểu thương, hộ tiêu thụ, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP Uông Bí tiếp tục dành sự quan tâm, thu mua, tiêu thụ và đưa sản phẩm vải chín sớm Phương Nam vào các bếp ăn công nghiệp để phục vụ cán bộ, công nhân, người lao động; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quả vải; quản lý bao bì, nhãn mác, thương hiệu, tạo điều kiện thúc đẩy công tác tiêu thụ trên thị trường.
Điểm khác biệt nhất năm nay, ngoài kêu gọi tiểu thương, lần đầu tiên phường kêu gọi thêm các doanh nghiệp ngành than, xi măng đóng chân trên địa bàn thành phố tham gia hội nghị. Qua đó, không chỉ tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về sản phẩm quả vải mà còn giúp nâng cao giá trị thương hiệu vải chín sớm Phương Nam.
Ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam, cho biết: Năm nay, giá thương lái thu mua đầu vụ (từ ngày 5 đến 18/5) dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng/kg so với năm 2021). Dự kiến năm nay, sản lượng vải chín sớm Phương Nam đạt 2.000 tấn; giá trị kinh tế đạt gần 60 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu vụ thu hoạch đã có 2 đơn vị đặt vấn đề lấy mẫu và thu mua 500kg vải chín sớm Phương Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây là hướng đi mới giúp hộ dân trồng vải chín sớm Phương Nam nâng cao giá trị kinh tế quả vải trong thời gian tới.