Xúc tiến thương mại dịp SEA Games 31

SEA Games 31 ở Quảng Ninh đã thành công tốt đẹp, góp phần vào thành công chung của sự kiện này ở tầm quốc gia. Đây cũng được coi là cơ hội để quảng bá những sản phẩm OCOP đặc trưng địa phương và là góc nhìn cho các hoạt động quảng bá quốc tế về sau.

Trong khuôn khổ SEA Games 31, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công Thương) đã tổ chức các điểm bán hàng OCOP phục vụ SEA Games ở các điểm thi đấu. Chia sẻ về cách làm này, ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm cho biết: SEA Games 31 cũng như các sự kiện lớn là cơ hội tuyệt vời để quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, đặc sản địa phương. Đây là kênh lý tưởng có thể quảng bá sản phẩm địa phương vươn xa hơn. Đồng thời cũng là cách làm, định hướng gắn xúc tiến thương mại OCOP với các sự kiện, du lịch được tỉnh và các bộ, ngành liên quan quan tâm, định hướng.

faf
VĐV Malaysia mua đồ lưu niệm in biểu tượng Vịnh Hạ Long ở điểm bán hàng OCOP phục vụ SEA Games tại nhà thi đấu 5.000 chỗ Đại Yên.

Theo đó, gắn liền với sự kiện SEA Games 31, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động quảng bá, bố trí các gian hàng ở 3 điểm tổ chức thi đấu, gồm Sân vận động Cẩm Phả, Tuần Châu và Nhà thi đấu 5.000 chỗ Đại Yên. Với mục đích chính là quảng bá, các điểm này được mở cửa cùng lúc với thời điểm khai mạc SEA Games (từ 13/5). Trung tâm đã bố trí diện tích 300m2 (khoảng 10 gian hàng), trung bình 100 đầu sản phẩm/mỗi điểm thi đấu. Các sản phẩm được đưa đến đều phải đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, bao bì nhãn mác đẹp, bền; được gắn tem SEA Games 31… Được ưu tiên hàng đầu là sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Tranh mỹ nghệ, đồ gỗ, tranh bột điệp, than đá. Ngoài ra, còn có trà hoa vàng, ruốc hải sản, thực phẩm chức năng…

Các sản phẩm này có sức hút khá lớn với các đoàn, vận động viên quốc tế. Có thời điểm gian hàng thu hút được khoảng trên 1.000 lượt khách. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất là đặc sản địa phương và các sản phẩm lưu niệm in, khắc hình Vịnh Hạ Long.

Kết quả trên cho thấy, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với sự kiện lớn, quảng bá thương hiệu OCOP là hiệu quả. Từ đây nhìn rộng ra, có thể tổ chức mở rộng xúc tiến thương mại hướng tới thị trường quốc tế. Đó là các hội chợ được tổ chức ở địa điểm đông khách du lịch quốc tế như: Tổ hợp vui chơi Sunworld, sân bay Vân Đồn…

ff
Thành viên các đoàn thể thao tham gia SEA Games 31 ở Quảng Ninh với sản phẩm nước khoáng chanh muối tại một điểm bán hàng OCOP ở Tuần Châu.

Một điểm bán hàng OCOP đã làm tốt việc quảng bá, lan tỏa thương hiệu đó là các gian hàng ở sân bay Vân Đồn, vốn được triển khai từ năm 2020. Có ưu điểm lớn về vị trí, không gian, tuy nhiên các hoạt động này có nhược điểm là có tính mùa vụ, gắn với du lịch hè hoặc đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Mở rộng hơn theo hướng này, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh đang hướng trọng tâm tới là các thị trường có khả năng triển khai và xúc tiến mạnh mẽ trong tương lai như thị trường: Trung Quốc, Campuchia, Lào…

Thế nhưng để duy trì các hoạt động quảng bá ở các điểm, đặc biệt như điểm Sân bay Vân Đồn mà không tính tới hiệu quả kinh tế là không hề đơn giản và việc kiểm soát, lựa chọn mặt hàng phù hợp đạt tiêu chuẩn cao cũng cần được quan tâm, thắt chặt. Bởi cần xác định chú trọng tới hiệu quả quảng bá, giới thiệu, lan tỏa thương hiệu là yếu tố đầu tiên, rồi mới tính toán tới hiệu quả kinh tế. Vì chỉ chú trọng tới hiệu quả kinh tế sẽ ảnh hưởng tới sự lựa chọn các mặt hàng, lơ là mục đích quảng bá, đem lại hiệu quả lâu dài. Do đó, cần có sự hỗ trợ chính sách, cơ chế của Nhà nước cho mục tiêu quảng bá, lan tỏa thương hiệu sản phẩm và phối hợp hài hòa với sự vào cuộc của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả quảng bá trong hoạt động thương mại.

Hà Phong