Mã số vùng trồng: Giải pháp xây dựng lòng tin cho nông sản

Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản… Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung khuyến khích các địa phương đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là “tấm vé thông hành” cho xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.

g
Người dân phường Phương Nam, TP Uông Bí tiêu thụ vải chín sớm.

Hiện Quảng Ninh có 14 vùng trồng trọt và 5 cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Bao gồm 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long, măng cụt, chôm, xoài, chuối, mít, dưa hấu, phục vụ xuất khẩu tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Móng Cái. Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân của tỉnh, bởi lẽ, quả thanh long và quả vải đều là những loại quả được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng nhưng lại có thời gian thu hoạch rất ngắn (25-35 ngày), sản lượng lớn nên nếu không được tiêu thụ kịp thời, sẽ khiến cho giá thành bị sụt giảm.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Là một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, sản phẩm vải chín sớm Phương Nam, TP Uông Bí ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Tại phường Phương Nam hiện có gần 400ha, trồng vải chín sớm, với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn. TP Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP và cấp mã số vùng trồng trên địa bàn. Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm với khoảng 1.000 hộ tham gia, tổng mức đầu tư hơn 15,9 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã cam kết thực hiện nghiêm túc chấp hành và áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thì, một trong những hộ trồng vải khu Bạch Đằng, phường Phương Nam, TP Uông Bí cho biết: Với 300 gốc vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, để quả vải đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ, như đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc… đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Vụ vải năm nay, gia đình đã tuân thủ đúng quy trình chăm sóc ngay từ lúc cây chuẩn bị ra hoa, nhờ đó, cây vải cho chất lượng cao hơn hẳn.

Tại TX Đông Triều, việc cấp mã số vùng trồng cũng được xác định là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính, nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Ngay từ đầu năm, phòng đã bám sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật các tiêu chuẩn cơ sở xuất khẩu, hướng dẫn các địa phương, người dân có vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, chủ động thực hiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, hướng đến sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường.

Thời gian qua, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được công nhận mới được phép xuất khẩu sang các nước, tại Quảng Ninh chủ yếu là thị trường Trung Quốc… Mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Mỗi mã số vùng trồng được cấp theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt.

Ngoài thanh long và vải, Quảng Ninh cũng có diện tích lớn trong trồng na, ổi, cam… tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn không có thêm một vùng trồng trọt nào được cấp mã số vùng trồng. Nguyên nhân là nhiều vùng trồng không đạt điều kiện về diện tích (6-10ha/mã) do chuyển đổi trồng cây khác; người dân và các địa phương chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại; khi được cấp mã vùng trồng rồi, địa phương cũng chưa có sự quan tâm, giám sát, kết nối tiêu thụ, liên kết giữa vùng trồng với các cơ sở đóng gói nên người nông dân vẫn không tìm được đầu ra cho xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ cho thương lái trong nước. Những điều này, đã khiến cho người nông dân chưa mặn mà với việc được cấp mã số vùng trồng.

Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị UBND các địa phương trọng điểm sản xuất cây ăn quả chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng các mã số vùng trồng (vải, nhãn, thanh long) đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp để xuất khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Định kỳ 6 tháng/lần, các vùng trồng được cấp mã gửi kết quả thực hiện công tác giám sát chất lượng về Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT theo quy định.

Nguyễn Thanh