Sở hữu diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 70% diện tích tự nhiên, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Việc phát triển kinh tế dưới tán rừng không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, phát triển KT-XH địa phương lâu dài, mà còn là lời giải cho bài toán thu nhập trước mắt cho người dân khi trồng rừng gỗ lớn.
Sau kỳ thu hoạch keo, năm 2017, ông Chíu Chăn Thành, thôn Khe Mằn (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ), quyết định thay thế toàn bộ 9ha keo sang trồng quế. Nhằm “lấy ngắn, nuôi dài”, ông còn trồng 9ha cây trà hoa vàng dưới tán cây quế. Chỉ sau thời gian ngắn, cây trà hoa vàng đã cho thu hoạch lá, tạo thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Ông Thành cho biết: Trồng quế từ 3-5 năm được thu hoạch lá, cành, vỏ và 15-20 năm thu hoạch gỗ. Do đó, tôi đã trồng thêm cây trà hoa vàng dưới tán cây quế. Trà hoa vàng là loài cây ưa ẩm, ưa bóng, thường mọc dưới tán rừng. Thêm vào đó, chỉ sau 2 năm, cây trà đã cho thu hoạch lá, qua đó, vừa tạo nguồn dinh dưỡng cho cây quế, vừa mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Tương tự, ông Lương Thế Xuyên, thôn Thủy Cơ (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) đang sở hữu một khu rừng trên 10ha với hàng nghìn cây lim, sở, giổi đã cho thu hoạch. Để lấy nguồn thu nuôi dưỡng rừng gỗ lớn, ông Xuyên còn nuôi thêm 200 con gà Tiên Yên và 100 tổ ong. Nhờ đó, nhiều năm nay, nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi đã giúp ông có thêm nguồn vốn để chăm sóc rừng, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Từ thực tế trên cho thấy, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng không chỉ là lời giải cho nút thắt lớn nhất khi thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn bởi hầu hết cây rừng gỗ lớn đều có thời gian trồng, chăm sóc kéo dài, nguồn vốn đầu tư lớn, mà quan trọng hơn là duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, Quảng Ninh đã quy hoạch 3 vùng trọng điểm phát triển dược liệu gắn với loài cây trồng cụ thể. Theo đó, vùng 1 gồm các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái tập trung phát triển loài cây chính là hồi, quế, kim ngân và các loài dược liệu có thế mạnh; vùng 2 gồm các địa phương Ba Chẽ, Cẩm Phả phát triển loài cây chính là trà hoa vàng, ba kích, cát sâm, quế và một số loài dược liệu có thế mạnh; vùng 3 là thung lũng dược liệu Ngọa Vân – Yên Tử trên địa bàn các địa phương Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long phát triển loài cây chính là đinh lăng, gấc, cát sâm, nghệ vàng.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung chọn, tạo giống, bảo tồn giống lâm sản ngoài gỗ có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp ở các địa phương để xây dựng vườn giống; xây dựng quy trình, hướng kỹ thuật cây trồng, khai thác và chế biến cho các loài cây trồng lâm sản ngoài gỗ trọng điểm; khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển lâm sản ngoài gỗ…
Điển hình như huyện Ba Chẽ đã quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu; triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, trong đó, phấn đấu trồng mới trên 100ha/năm các loài dược liệu; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2018-2020 tại xã Thanh Lâm với đối tượng chính là cây ba kích được trồng xen dưới tán rừng keo, trám, giổi, cây ăn quả cho năng suất đạt 5 tấn/ha, thu nhập 350 triệu đồng/ha/năm…
Hay như, huyện Hải Hà đã thực hiện mô hình trồng khảo nghiệm cây tài lệch dưới tán rừng tại bản Tài Chi, xã Quảng Sơn từ tháng 4/2020. Dự kiến, mô hình sẽ cho thu hoạch sau 4 năm, năng suất dự kiến 5 tấn/ha, doanh thu bình quân 1 năm dự kiến đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Đây sẽ là nguồn thu không nhỏ giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, góp phần vào phát triển bền vững.