Tỉnh đã và đang dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả, cùng với sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng khẳng định là một trong những nhân tố điển hình, tích cực tham gia nhiều hoat động chính trị, kinh tế, xã hội; tạo đà cho phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển.
Nhân tố tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội
Phát huy truyền thống yêu nước của phụ nữ Vùng mỏ, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; cuộc vận động “Phụ nữ Quảng Ninh chung tay bảo vệ môi trường và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm” gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Chiếm khoảng 49,3% dân số toàn tỉnh, 47,5% lực lượng lao động, phụ nữ Quảng Ninh đã tham gia và ngày càng khẳng định vai trò trên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thực hiện chủ trương của tỉnh sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, sản xuất sản phẩm OCOP, nhiều phụ nữ đã nhanh chóng tiếp cận và làm chủ quy trình sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, hàng hóa mang đặc trưng vùng miền, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đưa hàng chế biến nông, lâm, thủy sản ra thị trường trong nước và quốc tế; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng mô hình, ngành nghề, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Lương (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà) là một trong những hội viên tiêu biểu đi đầu trong phát triển kinh tế của xã, huyện. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Nhận thấy giống gà bản địa dễ nuôi, dễ bán, năm 2015 chị đã quyết định đầu tư chăn nuôi gà nhằm nâng cao thu nhập của gia đình. Mặc dù rất cố gắng, nhưng sản xuất của gia đình lúc bấy giờ mang tính chất nhỏ lẻ, không có nguồn tiêu thụ, nên đời sống vẫn rất khó khăn.
Từ thực tế đó, chị Lương hiểu rằng muốn có thị trường tiêu thụ ổn định, trước hết sản phẩm phải nâng cao chất lượng, có thương hiệu, chỗ đứng. Khi chị biết đến chương trình OCOP đã đăng ký tham gia xây dựng phát triển thương hiệu gà bản địa thành sản phẩm OCOP. Chị được tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, được bao tiêu sản phẩm. Chị Lương cho biết: “Tham gia chương trình OCOP, tôi đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm, được dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến, gà nuôi đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, khách hàng muốn mua còn phải đặt trước. Kinh tế gia đình cũng ngày càng khấm khá hơn”.
Thông qua các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng hình thành chuỗi sản phẩm gắn với chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng, hiện thực hóa ý tưởng, vốn khởi sự kinh doanh; tuyên truyền vận động chị em tham gia các lớp tập huấn về đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp…
Vai trò, vị thế ngày càng được khẳng định
Tiếp nối truyền thống, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Quảng Ninh tiếp tục vượt qua mọi thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực, như: Quản lý nhà nước, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội, đối ngoại… Ngày càng có nhiều chị em trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, nay phụ nữ cũng làm rất tốt.
Giai đoạn 2016-2020, nữ tham gia lãnh đạo quản lý tại các cơ quan thuộc UBND tỉnh chiếm 15,65%; nữ lãnh đạo UBND cấp huyện chiếm 8,7%; nữ lãnh đạo cấp phòng của sở, ngành, huyện chiếm 28,32%; nữ lãnh đạo UBND cấp xã chiếm 16,32%. Năm 2020, có 8/12 cơ quan của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm 66,66%; 100% cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Nhiệm kỳ 2020-2025, nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 29,3%…
Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm có liên quan trực tiếp đến phụ nữ được tích cực triển khai. Qua đó, đã giúp tạo thêm việc làm cho 92.734 lao động (đạt 100,6% kế hoạch); tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm hằng năm đạt từ 48,66-52%, tăng 6,55% so với giai đoạn trước. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn ưu đãi được quan tâm triển khai. Tỉnh đã hỗ trợ trên 32.000 lượt hộ phụ nữ nghèo vay vốn ưu đãi; trong đó hộ phụ nữ nghèo ở nông thôn là trên 19.000 lượt, hộ phụ nữ nghèo thuộc vùng dân tộc, miền núi gần 13.000 lượt.
Nhiều chị em phụ nữ đã thực sự chứng minh được tài năng, trí tuệ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, nhiều doanh nhân nữ đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một phát triển, đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng.