Nhân rộng vùng sản xuất an toàn

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, vấn đề xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã rất nhanh nhạy bắt kịp xu thế này và ở nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, đảm bảo ATTP. 

Mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới kính ở Quảng Yên mới được một số hộ dân triển khai. Ảnh: Thanh Hằng

Điển hình như tại TX Quảng Yên, thời gian qua, đã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ quản lý, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ATTP đối với nông sản. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện khuyến khích bà con nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KHKT, hình thành tư duy sản xuất hiện đại mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, việc phát triển và quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản trên địa bàn TX Quảng Yên cũng được gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP.  Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Quảng Yên: Thị xã đã chỉ đạo nghiêm các chu trình chuẩn OCOP của tỉnh, đã ban hành theo đúng trình tự, từ nhận phiếu đăng ký sản phẩm; tổ chức thẩm định, phê duyệt các ý tưởng; triển khai sản xuất, hoàn thiện bao bì, nhãn mác… Cùng với đó, công tác ứng dụng KHCN nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được quan tâm chỉ đạo, các đơn vị tích cực, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, TX Quảng Yên có gần 50 sản phẩm của 9 doanh nghiệp, HTX và 9 hộ kinh doanh tham gia chương trình OCOP; 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của thị xã được dán tem điện tử VNPT để truy xuất nguồn gốc, trong đó có 36 sản phẩm thực phẩm, 7 sản phẩm đồ uống, 2 sản phẩm thảo dược và 2 sản phẩm lưu niệm; các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên chiếm khoảng 32%.

Tương tự, tại TX Đông Triều, thời gian qua, ngành nông nghiệp thị xã đã tích cực đồng hành, hỗ trợ hướng dẫn nông dân trên địa bàn thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều: Hiện nay, địa phương đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Để đáp ứng điều này cần phát triển những mô hình nông nghiệp khoa học có chất lượng cao, dễ nhân rộng, phát triển ổn định. Bởi vậy, TX Đông Triều sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung các giải pháp định hướng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường; tập trung theo dõi, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình thực hiện, để nâng cao hiệu quả mô hình. Đặc biệt, khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, nghiên cứu thêm các sản phẩm nông nghiệp mới, đặc trưng, chất lượng mang thương hiệu của Đông Triều để phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.

Đóng gói sản phẩm tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco (Tập đoàn Vingroup) tại xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều). Ảnh: Hoàng Nga

Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường xây dựng vùng sản xuất thực phẩm an toàn trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn. Sở NN&PTNT đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng phần mềm nội bộ “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh”, cập nhật, biên tập đưa dữ liệu gần 160 sản phẩm lên hệ thống… Các địa phương phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng để tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, chuyên canh, gắn với thương hiệu sản phẩm, như vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng trồng chè tập trung, vùng trồng cây ăn quả, vùng nuôi tôm, nuôi nhuyễn thể, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung… Đồng thời, các ngành, địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, như: Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật, thủy sản nuôi; giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp… Bên cạnh đó, các ban, ngành của tỉnh còn thường xuyên kiểm ra, rà soát các sản phẩm thuộc chương trình OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố; giám sát điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tham gia chương trình OCOP…

Đặc biệt, trên cơ sở nghiên cứu rõ những tiềm năng, lợi thế, xác định nông nghiệp sạch là xu hướng sản xuất tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, xứng với tiềm năng, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, Đề án đã đề xuất 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Cụ thể gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; về thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, nhằm nhân rộng vùng canh tác hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới. Ở lĩnh vực trồng trọt, Đề án tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà… Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề án xây dựng tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái; trong đó, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ từ 10-15%.

Hoài Anh