Hộ anh Đào Văn Dũng (thôn Đìa Sen, xã An Sinh, TX Đông Triều) áp dụng quy trình trồng na Vietgap. |
Năm 2017, anh Đào Văn Dũng (thôn Đìa Sen, xã An Sinh), một trong những hộ tiên phong của xã áp dụng quy trình Vietgap, đã mạnh dạn chuyển đổi 1,2ha trồng na. Gia đình anh được địa phương hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để đầu tư hệ thống tưới tự động, được tập huấn quy trình, kỹ thuật chăm sóc na, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện na trồng đang vào vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình anh bán từ 4-5 tạ quả na.
Anh Dũng chia sẻ: Áp dụng quy trình Vietgap, từ phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình anh đều có nhật ký ghi chép đầy đủ, nên việc truy xuất nguồn sản phẩm rất thuận lợi. Đơn giản như việc dùng phân bón, trước đây cứ bỏ mỗi gốc na 1 bao phân, để tự hoai mục ngấm vào đất; nhưng bây giờ theo quy trình Vietgap, phải đánh luống xung quanh gốc na, sau đó mới bón phân theo tỷ lệ, lấp đất. Qua 2 năm thực hiện, cây na phát triển rất tốt, chất lượng quả na ngon, sạch. Không chỉ gia đình anh mà các hộ nông dân trong xã đều mong muốn thực hiện quy trình Vietgap cho các mô hình cây ăn quả. Giờ đây, nông dân xã không phải mang hàng hóa đi bán như trước, mà thương lái đến tận vườn mua hàng. Nhờ vậy, nông dân tăng thêm thu nhập.
Nông dân xã An Sinh phấn khởi được mùa na. |
Trong số 484ha trồng na của xã, hiện có 450ha đã cho thu hoạch. Năm 2018 cả xã mới có 50ha của 60 hộ dân áp dụng quy trình Vietgap, nay đã tăng lên 100ha của 160 hộ dân ở các thôn Đìa Sen, Đìa Mối, Tân Hồng, Mai Long. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp truy suất được nguồn gốc, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ.
Anh Nguyễn Tiến Bạn (thôn Đìa Sen, xã An Sinh) cho biết: Trước đây 1ha trồng na chỉ cho sản lượng từ 7-8 tấn quả/năm, còn giờ áp dụng quy trình Vietgap, sản lượng tới 9-11 tấn quả/năm. So với quả na sản xuất thông thường, na Viegap được người tiêu dùng đánh giá ngon hơn, an toàn hơn. Đầu vụ na bán từ 50.000-60.000 đồng/kg, mức giá này giữ khá lâu, bà con ai cũng phấn khởi.
Cán bộ UBND xã Anh Sinh (ngoài cùng, bên trái) trao đổi với các hộ dân trồng na theo quy trình Vietgap. |
Theo thống kê của xã An Sinh, trung bình 1ha trồng na áp dụng quy trình Vietgap hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn, gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống.
Ông Hoàng Xuân Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Anh Sinh, cho biết: Cây na chiếm 1/3 trong tổng thu nhập từ nông sản của xã; đóng góp trên 100 tỷ đồng/năm vào lĩnh vực nông nghiệp. Để khai thác hiệu quả loại cây trồng chủ lực này, An Sinh tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ trồng na chăm sóc theo theo quy trình Vietgap để xây dựng thương hiệu na dai Đông Triều. Cây na hiện là một trong những cây trồng chủ lực của xã, giúp hơn 1.300 hộ dân ở đây nâng cao thu nhập, làm giàu.
Nguồn tin: baoquangninh.vn