Thời điểm này, quả dâu tằm được trồng ở phường Tràng An (TX Đông Triều) đang chín rộ; không khí thu hoạch và hoạt động mua bán quả dâu diễn ra nhộn nhịp. Mặc dù thời tiết nắng nóng khiến công việc thu hoạch quả dâu vất vả hơn, nhưng bà con nông dân phường Tràng An đều phấn khởi bởi mô hình trồng dâu tằm lấy quả năm nay trên địa bàn tiếp tục được mùa, giá bán ổn định và dễ tiêu thụ.
Những ngày này, bà Nguyễn Thị Thiềm ở khu Thượng 1, phường Tràng An và các thành viên khác trong gia đình đều tất bật với công việc thu hái, phân loại để bán buôn, bán lẻ từ 30 đến 40 kg quả dâu mỗi ngày cho tiểu thương, khách tiêu dùng.
Hiện, gia đình bà Thiềm trồng 50 gốc dâu tằm trên diện tích gần 2 sào đất ven đồi. Với giá bán ổn định 10 ngàn đồng/kg và năng suất, chất lượng quả dâu đạt cao, mô hình trồng dâu tằm lấy quả của gia đình bà Thiềm năm nay hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trước đây trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Bà Thiềm chia sẻ: “Cây dâu tằm rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở phường Tràng An. Đây là loại cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh và không đòi hỏi nhiều công sức chăm bón. Thời điểm chính vụ thu hái quả dâu cũng diễn ra khi nhà nông nhàn rỗi; công việc thu hái quả không quá vất vả, chỉ cần bền bỉ là có thể làm được. Vào ngày chín nhiều, gia đình tôi đều thu hoạch được từ 30đến 40 kg quả”.
Phường Tràng An được xem là “thủ phủ” cây dâu tằm của TX Đông Triều. Hiện, trên địa bàn phường có khoảng gần 20 ha diện tích trồng dâu tằm lấy quả và được trồng tập trung chủ yếu ở các khu, gồm: Tràng Bảng 2, Thượng 1, Thượng 2, Hạ 2 và Yên Sinh. Trước đây, trên diện tích đất trồng dâu đều là đất trồng ngô, sắn, cây lấy gỗ và gieo cấy lúa kém hiệu quả. Với người dân Tràng An, cây dâu tằm đã gắn bó nhiều năm nhưng chỉ để lấy lá nuôi tằm. Có những thời điểm mai một, cây dâu tằm còn được trồng để làm hàng rào. Song những năm gần đây, khi nhận thấy cây dâu tằm có nhiều ưu điểm vượt trội, không đòi hỏi nhiều về công chăm sóc; quả dâu chín có vị ngọt, dịu mát, có lợi cho sức khỏe của con người, nên người dân phường Tràng An đã chuyển đổi trồng cây dâu tằm lấy quả theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Loan – Một trong những hộ dân đã phát triển mô hình kinh tế trồng dâu tằm lấy quả nhiều năm ở phường Tràng An chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 2 sào diện tích trồng cây dâu tằm, với tổng số khoảng 50 gốc. Trong quá trình trồng và chăm sóc, đối với những gốc dâu già, chỉ cần chặt bỏ cành, giữ gốc, bón phân. Để nhân giống, chỉ cần chiết cành cẩn thận. Trồng dâu tằm vốn bỏ ra ít, thời gian thu hoạch ngắn mà đem lại thu nhập tốt. Như mọi năm, 2 sào trồng cây dâu tằm của gia đình tôi có thể thu hái được gần 3 tấn quả và với giá bán dao động từ 10 đến 15 ngàn đồng/kg, gia đình tôi có thể thu lãi được khoảng 20 đến 25 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa trước đây”.
Với ưu điểm khi chín có vị ngọt, dịu mát, quả dâu tằm được trồng ở phường Tràng An đang được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua về ngâm để giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực. Việc tiêu thụ quả dâu chín cũng tương đối thuận lợi.
Chị Nguyễn Thị Phượng – Một trong những hộ dân trồng dâu kết hợp kinh doanh chế biến siro dâu ở khu Tràng Bảng 2, phường Tràng An chia sẻ thêm: “Nhằm nâng cao giá trị từ dâu tằm, thay vì bán quả dâu tươi chín, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị và tìm tòi, học hỏi để chế biến sản phẩm quả dâu chín thành siro, đang được chị em yêu thích. Qua tìm hiểu trên mạng, tôi được biết quả dâu chín không chỉ thanh nhiệt, mát gan mà còn giúp tăng sắc đen cho mái tóc và chữa bệnh khó ngủ. Mỗi ngày, gia đình tôi đều chế biến và bán ra thị trường vài chục lít siro dâu và đem lại thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Khoa – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp phường Tràng An cho biết: “Trong những năm qua, phường Tràng An đã tập trung vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi vườn tạp, diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm lấy quả nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc trồng cây dâu tằm lấy quả có nhiều ưu điểm vượt trội vì dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Khi thu hoạch quả vào thời điểm bà con nông dân nhàn rỗi, phù hợp với sức khỏe những người trung tuổi; quả dâu chín dễ tiêu thụ. Một số hộ gia đình trồng dâu tằm lấy quả trên địa bàn phường hiện đang là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài địa bàn thị xã Đông Triều đến tham quan, trải nghiệm hái quả. Do vậy, hiệu quả thu được từ mô hình trồng dâu tằm lấy quả đã giúp người dân tự nâng cao đời sống cho gia đình, tạo ra nguồn lực kinh tế, góp sức thay đổi diện mạo và xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn”.
Với những hiệu quả bước đầu, hy vọng rằng, mô hình trồng dâu tằm lấy quả ở phường Tràng An sẽ tiếp tục được nhân rộng, mở ra nhiều hướng đi mới để mỗi người dân trồng dâu ở phường Tràng An (TX Đông Triều) đều có thể khai thác tối đa các tiềm năng về thổ nhưỡng đất đai, khí hậu, nguồn lao động dồi dào và cả sự đam mê hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm dâu tằm Tràng An, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương.