Trước diễn biến của thị trường thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, tính riêng từ 21/4 đến nay, giá xăng đã tăng 3 lần liên tiếp, dẫn đến việc giá cả các mặt hàng khác trên thị trường có xu hướng tăng. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do biến động của giá xăng dầu, các ngành chức năng đã tăng cường việc kiểm tra, rà soát và triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu, giá cả thị trường nhằm mục đích hạn chế tình trạng tăng giá bán các mặt hàng, làm nhiễu loạn thị trường.
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi diễn biến cung cầu và giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt lương thực, thực phẩm, xăng dầu… ; xây dựng dự thảo chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường thanh kiểm tra các lĩnh vực quản lý theo kế hoạch, hoặc đột xuất khi có các dấu hiệu vi phạm, nhằm kịp thời có giải pháp điều tiết thị trường, trong trường hợp phát sinh biến động.
Ghi nhận tại chợ Hạ Long I, Hạ Long II (TP Hạ Long), giá cả thị trường có xu hướng dao động tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, chưa có mức tăng giá quá cao mà chỉ điều chỉnh tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng. Cụ thể, giá cá song nuôi loại 1,8-3kg, giá từ 180.000- 210.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg; tôm rảo từ 270.000-400.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000-30.000 đồng/kg; thịt gia súc, gia cầm tăng 5.000-10.000 đồng/kg tuỳ loại; giá mặt hàng thịt lợn hơi tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg tương đương giá 65.000-75.000 đồng/kg so với tuần trước đó; giá lương thực như gạo ổn định với giá từ 16.000-20.000 đồng/kg tuỳ loại. Đặc biệt, giá xăng tăng, với tổng mức giá tăng của Xăng RÔN 92 khoảng 2.500 đồng/lít; Xăng RÔN 95 tăng 2.600 đồng/lít, tương đương giá hiện tại Xăng E5 RÔN 92 không cao hơn 29.630 đồng/lít; Xăng RÔN 95 không cao hơn 30.658 đồng/lít.
Theo nhận định từ Sở Công Thương, nguyên nhân giá cả thị trường có biến động như trên do nhu cầu tiêu dùng tăng do lượng khách du lịch vào dịp nghỉ lễ 30/4, dịp du lịch hè, do thời tiết, điều kiện con nước đánh bắt thủy sản và giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng… Mặc dù giá cả thị trường có xu hướng tăng, nhưng qua khảo sát vẫn chưa phát hiện việc đầu cơ, găm hàng dẫn đến tăng giá trái quy định.
Thời gian tiếp theo, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các địa phương. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trên địa bàn tỉnh, nhằm tối ưu hoá nguồn cung tại chỗ, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng hàng hoá ra thị trường với giá hợp lý.
Các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh và giá cả niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, công khai giá bán rộng rãi để người tiêu dùng có thể theo dõi, lựa chọn khi tiêu dùng. Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh mua bán khí/thương nhân phân phối LPG quy định giá bán khí và LPG chai cho thương nhân thuộc hệ thống mình quản lý phải niêm yết công khai giá bán lẻ và thông báo bằng văn bản tới các đơn vị trong hệ thống phân phối và Sở Công Thương, Sở Tài chính nơi có hệ thống phân phối của thương nhân khi có sự thay đổi về giá bán LPG; kiểm tra các cửa hàng bán lẻ LPG chai niêm yết giá bán LPG chai và bán đúng giá niêm yết.
Cùng với đó, để đảm bảo ổn định giá cả thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc kê khai giá, bán hàng theo giá niêm yết, công khai giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu như: LPG, xăng dầu, thịt lợn, lương thực, thực phẩm… Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tại các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp về giá, niêm yết giá,… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người tiêu dùng khi lựa chọn tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, góp phần ổn định thị trường trong tỉnh.