Ngay từ đầu năm 2018, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung phát động mạnh mẽ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Thông qua những hoạt động trên đã thúc đẩy bà con nông dân tích cực tăng gia lao động sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, liên kết chặt chẽ giữa các mô hình với nhau…
Nông dân vào “guồng”…
Trong sản xuất nông nghiệp, vụ đầu năm của bà con nông dân thường được ví như tháng “củ mật” bởi đây là thời điểm trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa, thực phẩm, nông sản đều tăng. Nhận thấy điều này, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác đã tập trung vốn đầu tư, chăm sóc cây trồng, vật nuôi kịp bán đúng dịp Tết. Vì vậy khí thế sản xuất từ những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi trên khắp địa phương không chỉ tạo đà giúp ổn định phát triển sản xuất mà đây còn là tín hiệu một năm “bội thu”.
Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) liên kết các hộ dân sản xuất và chế biến trà hoa vàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Bình Minh (CTV) |
Sau hơn 1 năm thành lập, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của HND tỉnh, HTX Kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp Đồng Tâm (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) bắt đầu đi vào hoạt động ổn định. HTX có 14 thành viên là hội viên nông dân, sản xuất, kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi gà. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất chuồng khoảng 2 vạn con gà thương phẩm. Ông Trần Quang Khư, Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ đầu năm, HND các cấp đã phối hợp với HTX tuyên truyền định hướng giúp bà con tăng gia sản xuất. Đồng thời thông tin dự báo tình hình thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường để xã viên nắm bắt điều chỉnh sản xuất, khung lịch thời vụ cũng như có giải pháp đối phó phòng tránh rét đậm cho vật nuôi. Nhờ chủ động sản xuất, đến nay, đàn gà của HTX đều phát triển tốt. Tháng 2 tới (giáp Tết) HTX sẽ cung cấp khoảng 3 vạn con gà thương phẩm bán ra thị trường. Dự kiến, trong dịp Tết, giá bán sẽ dao động 60.000 – 70.000 đồng/kg gà (tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg so với năm 2016). Ngay sau khi xuất chuồng, chúng tôi sẽ tiếp tục nhập giống, thả gối vụ để duy trì đàn gà nuôi.
Với bà con nông dân huyện Ba Chẽ, ngay sau khi tổ chức Hội trà hoa vàng lần thứ 2, nhiều hộ dân đã bắt tay ngay vào chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm trà hoa vàng để chuẩn bị hàng hóa bán dịp Tết. Hiện nay diện tích trồng trà hoa vàng của Ba Chẽ lên tới hơn 140ha, tập trung nhiều ở các xã: Thanh Sơn (40,3ha), Đồn Đạc (36ha), Đạp Thanh (27,6ha)… Dự kiến năm nay, địa phương sẽ mở rộng trồng thêm khoảng 100ha cây trà hoa vàng. Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực khác như mía, măng mai, ba kích, mật ong… đang được hộ dân tích cực chăm sóc và thu hoạch.
Ông Vương Quang Ninh, Chủ tịch HND huyện Ba Chẽ cho biết: Tính đến thời điểm này, các giống cây trồng chủ lực của bà con nông dân đều phát triển ổn định. HND huyện đang tích cực vận động các hộ mở rộng mô hình trồng trà hoa vàng và các cây chủ lực khác, đồng thời tập trung thu hoạch và chế biến, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa bán dịp Tết. Bên cạnh đó, HND huyện cũng đang phối hợp với địa phương xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình NTM và chương trình 135 năm 2018 để chủ động sắp xếp vốn vay cho các hộ dân tham gia.
Mặc dù hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm kéo dài ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, tuy nhiên tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh bà con đã chủ động các giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại. Tại các vùng như: Vùng nuôi lợn Móng Cái, nuôi gà Tiên Yên, trồng rau an toàn Quảng Yên, nuôi nhuyễn thể hàu Vân Đồn, trồng cây ăn quả Đông Triều… nông dân đang hối hả thi đua sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Ở các vùng này, bà con nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất bao tiêu sản phẩm nên thị trường đầu ra tương đối thuận lợi và ổn định.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Năm 2018, HND tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm của Hội là: “Vận động, xây dựng và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”. Đây là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của Hội sẽ triển khai trong năm nay. Theo đó, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển toàn diện về số lượng và chất lượng các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ. Đặc biệt, xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào có ý nghĩa và tầm quan trọng trong phát triển nông nghiệp – nông thôn và nông dân, vì vậy năm nay, HND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sâu rộng phong trào, phấn đấu trên 70% số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp.
Nông dân Nguyễn Tiến Thủ, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn chuẩn bị ngao giống để thả nuôi gối vụ. Ảnh: Phạm Tăng |
Thực tế hiện nay, hạn chế lớn nhất trong phát triển các mô hình kinh tế của nông dân chính là vốn, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ… Những khó khăn này đang kìm hãm sự phát triển của các mô hình kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của bà con. Để tháo gỡ dần khó khăn trên, năm 2018 HND tỉnh phấn đấu tiếp tục tổ chức 100% HND cấp huyện, 80% HND cấp xã tham gia hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất – kinh doanh, vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, năm nay HND tỉnh phấn đấu trên 30% số lượng hội viên nông dân được tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và chế biến sản phẩm. Trong đó, những hoạt động hỗ trợ, tập huấn được HND tỉnh xác định phải thực sự gắn với nhu cầu thực tế và phù hợp với mô hình sản xuất của nông dân từng địa phương. Ngoài ra, các cấp HND sẽ tích cực tham gia xây dựng thương hiệu OCOP, kết nối tiêu dùng cho nông dân thông qua Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh; Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2018…
Đồng chí Bùi Minh Thanh, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Điều quan trọng và cốt lõi nhất trong các hoạt động, phong trào thi đua của Hội là hướng tới gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Ngoài những giải pháp trên, năm nay, HND tỉnh còn tập trung đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào từng bước phát triển về chất. Bên cạnh đó, năm 2018 Hội sẽ tiếp tục vận động các hộ sản xuất giỏi mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại; dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt gắn sản xuất kinh doanh với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.