Giữ cái tâm với miến dong Bình Liêu

Xã Húc Động (huyện Bình Liêu) có điểm du lịch thác Khe Vằn và sản phẩm miến dong được nhiều người biết đến từ lâu. Đây là địa phương sản xuất miến dong lớn của huyện, góp phần tạo nên thương hiệu OCOP “Miến dong Bình Liêu”. CCB La A Chiu, thôn Nà Ếch, xã Húc Động là một trong những người khởi đầu cho nghề sản xuất miến dong ở xã, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, rời quân ngũ trở về quê hương thôn Nà Ếch, xã Húc Động, CCB La A Chiu sống với nghề trồng lúa. Dù xã có đặc thù đất đồi ven sông với độ ẩm thích hợp để phát triển cây dong riềng, nhưng thời kỳ đầu, nghề làm miến dong nơi đây chỉ lác đác vài ba hộ và phục vụ chủ yếu cho gia đình. Vốn là người từng được đi nhiều nơi, nên ông Chiu nhận thấy, phát triển nghề làm miến dong ở xã là rất cần thiết. Bởi cây dong rất phù hợp với thổ nhưỡng Húc Động, người trồng dong sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa.

Cơ sở sản xuất miến dong của CCB La A Chiu tạo việc làm cho 20 lao động địa phương về mùa vụ
Cơ sở sản xuất miến dong của CCB La A Chiu tạo việc làm cho 20 lao động địa phương khi vào mùa vụ.

Từ năm 2000, gia đình ông Chiu đã bắt tay vào làm miến dong nhưng thời ấy chỉ làm thủ công bằng tay, rất mất công mới ra được sản phẩm. Có miến rồi, ông Chiu lại phải tự đi rao bán vì chẳng có ai vào Húc Động để mua miến dong cả. Dần dần, sản phẩm miến dong Húc Động đã được nhiều người biết đến. Để phát triển mạnh hơn nghề này, đưa sản phẩm miến dong đến với nhiều người hơn, năm 2006, ông Chiu bắt đầu mở rộng sản xuất miến dong, trang sắm máy xay củ dong và máy thái sợi miến. Khi đó, Húc Động chưa có điện, máy phải vận hành bằng sức người nhưng cũng đưa năng suất miến lên cao hơn, từ 2 tạ miến/năm đã nâng lên thành 7 tạ/năm, tạo việc làm cho vài lao động địa phương.

Khi điện lưới về Húc Động, ông Chiu mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở rộng nhà xưởng đầu tư các loại máy cần thiết cho quy trình sản xuất miến, nâng năng suất miến dong từ vài tạ lên hơn 10 tấn miến/năm hiện nay, tương đương với việc tiêu thụ hơn 400 tấn dong củ cho người trồng dong ở xã. Để tiêu thụ miến tốt hơn, ông Chiu mua chiếc xe tải 1,4 tấn để chở hàng phân phối tới các đại lý trong và ngoài huyện. Khi thu mua dong củ, ông Chiu cũng ưu tiên sản phẩm của bà con trong xã, giúp người dân đẩy mạnh việc trồng dong riềng, góp phần đưa diện tích dong của xã năm 2017 lên 89,6ha.

Cùng với đó, CCB La A Chiu luôn tuyên truyền vận động bà con trồng dong đảm bảo chất lượng, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không hám lợi chạy theo năng suất mà dùng thuốc kích thích. Chính vì thế, giá thành dong củ ở Húc Động luôn cao, dao động từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Vào mùa sản xuất miến, ông cũng nhận được nhiều lời chào mời của các thương lái từ tỉnh khác, mua dong của họ giá rẻ hơn giá dong củ địa phương, từ đó sản xuất miến dong sẽ thu được lãi cao hơn. Tuy nhiên, ông Chiu bỏ ngoài tai những lời mời chào. Ông bảo: “Nếu như chỉ vì hám lợi mà sản xuất ra mặt hàng OCOP mang tính gian dối, đánh lừa người mua, người tiêu dùng sẽ quay lưng với miến dong Bình Liêu. Như thế, bản thân người sản xuất chúng tôi tự mình hại mình, lại ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ trồng dong riềng”.

Sản phẩm OCOP “Miến dong Bình Liêu” của ông La A Chiu đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh
Sản phẩm OCOP “Miến dong Bình Liêu” của ông La A Chiu đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Từ sản xuất miến dong, ông Chiu tự tạo việc làm cho gia đình mình, vươn lên thành hộ khá ở xã, giữ uy tín cho sản phẩm OCOP miến dong địa phương. Vào mùa vụ, cơ sở sản xuất miến của ông còn tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Cái lớn hơn là hàng trăm người trồng dong ở xã có niềm tin khi sản phẩm họ làm ra đã có địa chỉ tiêu thụ. Những vùng đất xấu trồng lúa trên địa bàn xã được cải tạo đã trở thành những vùng trồng dong riềng, đem lại hiệu quả thực sự về kinh tế cho người dân nơi đây.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh